Đến nay, 56/56 xã của thành phố đã hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thắp sáng vùng quê
Trong quá trình đó, ngành điện TPHCM đã kéo trụ điện, dây điện tới từng hộ dân ở vùng sâu vùng xa để có thể sinh hoạt, đồng thời phục vụ sản xuất; nhờ vậy đã giúp địa phương từng ngày phát triển kinh tế và “lột xác” so với khi chưa xây dựng nông thôn mới.
Chương trình được EVNHCMC đầu tư làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiến hành cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn. Giai đoạn này, EVNHCMC đã cơ bản hoàn thành cấp điện lưới quốc gia cho 100% hộ nông dân thuộc 56 xã của 5 huyện ngoại thành. Hệ thống lưới điện nông thôn gồm 5.965 trạm biến áp, với tổng dung lượng là 2.144MVA; 2.017km đường dây trung áp và 3.564km đường dây hạ áp, với số vốn đầu tư cho lưới điện nông thôn gần 2.000 tỷ đồng. EVNHCMC đã triển khai nhiều công trình trọng điểm, trong đó có hệ thống điện mặt trời cấp điện phục vụ sinh hoạt cho khoảng 180 hộ dân trên ấp Thiềng Liềng (thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ). Đây là một trong những dự án điện khí hóa nông thôn bằng điện mặt trời có quy mô lớn hàng đầu tại Việt Nam thời điểm đó, đồng thời cũng là mô hình “Làng điện mặt trời” điển hình trong cả nước. Dự án này có quy mô công suất gần 100kWp với tổng mức đầu tư 14,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của EVNHCMC. EVNHCMC cũng đã hoàn tất nghiệm thu đóng điện công trình xây dựng tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển cấp điện cho xã đảo Thạnh An thay thế nguồn điện diesel, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất và nâng cao đời sống. Tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 236 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết giai đoạn từ năm 2016 - 2020 là giai đoạn hiện đại hóa lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng cho khu vực 5 huyện ngoại thành. Dự kiến, đến năm 2020, tổng vốn đầu tư của ngành điện cho 5 huyện ngoại thành là 1.345 tỷ đồng với 66km cáp ngầm, 692km đường dây trung thế, 464km đường dây hạ thế, 5.150 trạm biến áp. Qua đó, phát triển mạng lưới điện nông thôn không chỉ phục vụ nông nghiệp mà cho cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, các khu dân cư đô thị mới ở nông thôn, nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện trong khu vực. Đến năm 2020, SAIFI (số lần mất điện trung bình năm) ≤ 1 lần, SAIDI (thời gian mất điện trung bình năm) ≤ 100 phút.
EVNHCMC đã hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn sớm 5 năm so với lộ trình 2020, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo của khu vực ngoại thành TPHCM.
Luôn đồng hành cùng dân nghèo
Khi tiếp nhận hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới, ngành điện TPHCM cũng đồng thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giúp các địa phương về đích, thay đổi đời sống người dân. Trong nhiều năm liên tục, cứ vào những dịp cuối tuần, màu áo xanh tình nguyện của các đoàn viên thanh niên ngành điện lại phủ kín các địa điểm cần hỗ trợ ở các xã nghèo. Bí thư Đoàn Thanh niên EVNHCMC Đặng Mỹ Ly cho biết, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, tham gia ổn định an sinh xã hội trên địa bàn 5 huyện (Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh) suốt thời gian từ năm 2010 - 2019. Có thể điểm qua một số công trình tiêu biểu như: “Nguồn sáng an toàn, văn minh, tiết kiệm” với mục đích cải tạo, thay thế miễn phí hệ thống điện cũ kỹ, hư hỏng và có nguy cơ cháy nổ cao cho gần 4.500 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân hoàn cảnh khó khăn; công trình “Tuyến hẻm có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm” thực hiện bó gọn hệ thống lưới điện, cáp thông tin và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dân lập ở 61 tuyến hẻm; công trình “Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm” với mục đích trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, sơ cấp cứu người khi bị tai nạn điện (đến nay đã tổ chức tại 287 điểm trường, điểm sinh hoạt hè cho hơn 70.000 em học sinh trên địa bàn các xã của 5 huyện ngoại thành); trao học bổng “Thắp sáng niềm tin” (mỗi suất trị giá 15 triệu đồng) cho 12 bạn đoàn viên hoàn cảnh khó khăn đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống…
Đại diện EVNHCMC cho biết thêm, trong quá trình tham gia các chương trình an sinh xã hội trên các địa bàn nói trên, mỗi năm EVNHCMC còn hỗ trợ kinh phí cho chính quyền địa phương (100 triệu đồng đối với mỗi huyện) để góp phần xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, chăm sóc các hộ gia đình chính sách, tài trợ các cháu học sinh giỏi hoàn cảnh khó khăn… Từ năm 2010 - 2019, EVNHCMC đã thực hiện xây dựng mới 77 căn nhà, sửa chữa 69 căn nhà và trao 100 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện Nhà Bè, Cần Giờ. “EVNHCMC sẽ tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM để chung sức xây dựng nông thôn mới tại các huyện ngoại thành, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo “điện đi trước một bước”, luôn cung cấp điện liên tục và chất lượng cao; đồng thời nỗ lực hỗ trợ về an sinh xã hội để người dân vùng ngoại thành có cuộc sống bớt khó khăn hơn”, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, khẳng định.
Điện là tiêu chí thứ 4 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí này gồm 2 phần: Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Sau 9 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước, việc thực hiện tiêu chí điện đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. |