Không phải đến năm nay, năm mà UBND TPHCM lựa chọn là “Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” thì câu chuyện văn hóa đọc mới được nhắc và quan tâm. Trên thực tế, với các hoạt động đã và đang diễn ra, có thể khẳng định TPHCM luôn cổ vũ phong trào văn hóa đọc một cách thường xuyên và sâu sát.
Gần đây, như một sự tiếp sức cần thiết và kịp thời, nhiều quận trên địa bàn thành phố như 9, 2, 11, 12, Tân Phú… lần lượt tổ chức Ngày hội văn hóa đọc với nhiều nội dung phong phú cùng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh việc tập trung vào các hoạt động văn hóa đọc, các địa phương còn có những tiết mục lồng ghép như biểu diễn cà kheo, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian… qua đó thu hút sự quan tâm, tác động đến nhận thức và thúc đẩy thói quen đọc sách của người dân thành phố.
Trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa đọc của TPHCM, một trong những điểm sáng không thể không nhắc đến đó chính là Đường sách TPHCM. Vào ngày 9-1-2021 tới đây, Đường sách sẽ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đường sách TPHCM đã cho thấy đây là mô hình đúng đắn và thiết thực trong phát triển văn hóa đọc. Từ Đường sách TPHCM, nhiều địa phương đã nhân rộng mô hình này như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk... Chưa kể, đích thân lãnh đạo một số tỉnh thành cũng đã vào TPHCM tham quan, học hỏi mô hình đường sách để chuẩn bị cho việc thành lập đường sách tại địa phương mình. Tuy nhiên, cho đến nay Đường sách TPHCM vẫn đang là mô hình thành công nhất. Ngoài thành công về doanh thu với gần 50 tỷ đồng mỗi năm, nơi đây còn ghi đậm dấu ấn văn hóa đọc với hàng loạt hoạt động giao lưu và quảng bá tác phẩm, tác giả đầy hiệu quả. Chỉ riêng quý 3 năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đường sách TPHCM đã tổ chức 88 chương trình, sự kiện. Thậm chí, để tổ chức sự kiện ở đường sách, các đơn vị đều phải đăng ký trước một tháng.
Sự thành công của Đường sách TPHCM không chỉ thể hiện ở những con số mà nơi đây đã trở thành không gian của văn hóa, một địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước khi đến với TPHCM. Gần đây nhất, Đường sách TPHCM và Văn phòng đại diện phía Nam của Hội Xuất bản đã tổng hợp ý kiến từ thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục và học sinh gửi kiến nghị đến Bộ GD-ĐT “đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của nhà trường trong việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc”. Cùng với đó là phối hợp với các NXB, công ty sách để xây dựng danh mục sách bổ trợ cho các môn học, phục vụ cho việc học tập và nâng cao kiến thức của học sinh trong nhà trường theo chủ đề từng môn học của từng cấp lớp, phục vụ nhu cầu thực tế trong việc học tập và giảng dạy của học sinh, giáo viên thời gian tới. Tất cả những hoạt động này cho thấy nỗ lực bền bỉ trên hành trình phát triển văn hóa đọc của những người thầm lặng đứng sau Đường sách TPHCM. Có điều, họ không đơn độc mà đang được cộng hưởng bằng nhiều hoạt động về sách khác trên địa bàn thành phố.
Theo số liệu, năm 2019, tỷ lệ đầu sách/người/năm là 1,4. Đây rõ ràng là một tỷ lệ không cao nếu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận con số trên ở mức tương đối và cũng không cần phải quá bi quan. Bởi số liệu trên có được nhờ tổng kết từ số lượng sách giấy được xuất bản mỗi năm. Trên thực tế, ngày nay chúng ta còn có sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook). Tới đây, khi công nghệ càng ngày càng phát triển và phổ biến, sẽ có thêm những hình thức khác nữa để phục vụ cho việc đọc.
Có 3 yếu tố làm nên văn hóa đọc, gồm: thói quen đọc sách; niềm đam mê, sự yêu thích với việc đọc sách và kỹ năng đọc sách. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là yếu tố thứ 3, như một bước có tính nâng cao của việc đọc. Vậy nên, điều cần quan tâm hơn nữa chính là chất lượng đọc, làm sao để việc đọc sách không đơn thuần chỉ đọc cho có, cho qua ngày đoạn tháng mà việc đọc sách phải đem lại giá trị, có thể ứng dụng vào công việc hay học tập. Lựa chọn hình thức đọc nào giữa sách giấy, sách điện tử hay sách nói không quan trọng; mà quan trọng nhất ở đây vẫn là đọc như thế nào, chúng ta lĩnh hội và ứng dụng những kiến thức từ sách ra sao. Đó mới là vấn đề đáng bàn.