Tiếp sức Trường Sa - Bài 2: Nuôi bò và trồng cỏ

Dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” không chỉ hỗ trợ các đảo giải quyết khó khăn thiếu rau xanh mà còn giúp phát triển đàn gia cầm, gia súc tại nhiều đảo.
Tiếp sức Trường Sa - Bài 2: Nuôi bò và trồng cỏ

Dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” không chỉ hỗ trợ các đảo giải quyết khó khăn thiếu rau xanh mà còn giúp phát triển đàn gia cầm, gia súc tại nhiều đảo.

Ăn món phi truyền thống

Đảo Song Tử Tây đã bắt đầu nuôi bò từ khoảng 10 năm trước, bò giống là quà tặng của các địa phương khi ra thăm đảo. Bò thích nghi và sinh trưởng khá tốt, duy trì đàn khoảng 7 - 8 con nhưng do giống bò địa phương nhỏ nên lượng thịt ít, không đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của đảo.

Năm 2011, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ NN-PTNT tại đảo, cán bộ chiến sĩ bày tỏ nguyện vọng muốn phát triển đàn bò thịt chất lượng cao. Lãnh đạo bộ lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, Phó trưởng đoàn công tác, đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam mà đại diện là TS Ngô Quang Vinh, Phó Viện trưởng, nghiên cứu đưa giống bò mới ra đảo và đề xuất dự án đưa một số giống cây trồng, vật nuôi khác ra các đảo. Việc giao nhận nhiệm vụ diễn ra nhanh gọn ngay trên tàu HQ 936 khi tàu đang vào bờ.

Đàn bò lai Sind được chăm sóc, phát triển tốt tại Trường Sa.

Đàn bò lai Sind được chăm sóc, phát triển tốt tại Trường Sa.

TS Vinh cho biết: Bò để nuôi tại đảo phải vừa chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt nắng khô, gió mặn, mưa bão vừa có thể chấp nhận nhiều loại thức ăn “phi truyền thống” như cơm canh thừa, lá, cỏ khô, bao bì giấy... nhưng lại có trọng lượng lớn, cung cấp nhiều thịt. Qua tìm hiểu, bò lai Sind đang nuôi ở tỉnh Ninh Thuận phù hợp nhất bởi lẽ điều kiện khí hậu có nhiều nét tương đồng với đảo.

Các chuyên gia của viện đã chọn gửi ra đảo bò lai Sind với tỷ lệ máu Sind khoảng 50%; bò cái đã sinh sản từ 1 - 2 lứa, trọng lượng từ 250 - 300kg, có ngoại hình đẹp, không bị trục trặc về sinh sản, bò đực có trọng lượng từ 300 - 350kg, đã biết phối giống. Ba chú bò lai Sind được Bộ NN-PTNT gửi tặng đảo ngay sau chuyến công tác. Sau 1 năm, bò bố mẹ phát triển béo khỏe, sinh thêm bê, khẳng định sự lựa chọn là đúng. Cuối tháng 4-2012, thêm 1 bò đực, 3 bò cái nữa được viện chuyển tới Quân cảng Cam Ranh để lên tàu ra đảo Song Tử Tây.

Kể chuyện đưa bò ra đảo, thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện đảo Trường Sa, nguyên Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, cho biết: “Trước khi xuống tàu, bò đã được xe vận chuyển suốt đêm ra Cam Ranh. Sau khi vượt qua cả ngàn cây số sóng gió biển khơi nhưng bò không ảnh hưởng gì, thả lên đảo là tìm thức ăn ngay”.

Cỏ lớn như “voi”

Đồng thời với việc đưa bò giống ra đảo, năm 2012, dự án cung cấp thêm 2 giống cỏ là cỏ sả, cỏ voi để trồng tại vườn ươm, thử nghiệm cả bằng trồng hom và gieo hạt. Lúc đầu cả 2 loại cỏ đều phát triển tốt, nhưng sau đó cỏ sả kém thích nghi, lụi dần. Riêng cỏ voi vẫn xanh tốt trong điều kiện tự nhiên, không tưới, do vậy đảo đang nhân thêm nhằm bổ sung thức ăn cho đàn bò.

Giải thích việc mỗi cây xanh trên đảo lúc mới trồng đều được làm khung, che bạt kín từ gốc tới ngọn nhìn rất lạ mắt, chiến sĩ Võ Hoài Vinh, phụ trách chăn nuôi đảo Song Tử Tây, cho biết: Đó là để bò khỏi ăn lá. Chỉ trừ lá cây phong ba, còn hầu hết các loại lá cây trên đảo đều là “món khoái khẩu” của đàn bò, đặc biệt lá cây bàng ta và bàng vuông. Mùa mưa, ngoài cơm canh thừa của nhà bếp, bò còn được ăn cỏ tươi, còn vào mùa khô bò tìm ăn cả giấy bìa, bao xi măng và quần áo của bộ đội nếu sơ ý để quên.

Tuy vậy, bò ở đảo cũng “có tính kỷ luật cao”, đến giờ ăn chiến sĩ chỉ cần gọi “nhưng... nhưng... nhưng...” thì dù đang tha thẩn ở đâu, đàn bò cũng khẩn trương kéo về khu vực ăn để “dùng bữa”. Đến nay, bò sinh trưởng phát triển rất tốt, lúc nào cũng có trên dưới chục con, bò bố mẹ nặng đến 300 - 400kg, mỗi năm sinh thêm 4 - 5 con bê.

Ngoài việc cung cấp thực phẩm tươi sống, giúp bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo thêm ngon hơn, đảm bảo sức khỏe tốt hơn, việc nuôi bò và trồng cỏ tại đảo còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt tinh thần.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thoảng, 33 tuổi, cư dân đảo Song Tử Tây, tâm sự: “Vợ chồng tôi cùng 2 con nhỏ dù sinh sống giữa đại dương sóng gió, xa quê hương, xa đất liền nhưng mỗi khi nhìn đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ là tràn ngập cảm giác bình yên, thấy như mình đang sống ngay giữa quê hương của mình. Tụi nhỏ cũng mê chơi với mấy con bê lắm, mong sao có thêm nhiều vật nuôi được đưa ra đảo, vừa để cải thiện cuộc sống, vừa tạo môi trường thân thiện gần gũi”.

Trao đổi về hoạt động tăng gia sản xuất ở Trường Sa, thượng tá Ngô Duy Đỗ cho rằng rất cần thiết, vì không chỉ cải thiện được đời sống mà còn giúp bộ đội và nhân dân bớt nhớ đất liền nhờ những việc làm quen thuộc hàng ngày. Vấn đề môi trường trong chăn nuôi cũng không đáng ngại, vì các loại phân gia súc, gia cầm sẽ được tập trung ủ hoai để làm phân bón rau xanh.

Khu vực nuôi nhốt cũng được tính toán để không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bộ đội và nhân dân trên đảo. Nhiều giống vật nuôi đã thích nghi với điều kiện biển đảo và phát triển tốt như đàn chó, heo, gà, vịt, ngan ở hầu hết các đảo, riêng đảo Song Tử Tây có thêm cả bò và ngỗng.

Thượng tá Ngô Duy Đỗ đặc biệt đánh giá cao hiệu quả của dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa”. Thượng tá Đỗ cho rằng dự án không chỉ góp phần tăng thêm rau xanh, trứng, thịt vào bữa ăn hàng ngày mà còn tạo điều kiện cho bộ đội và nhân dân mở rộng tăng gia sản xuất nhằm đảm bảo tự túc thực phẩm. Dự án chính xác đã cho chúng tôi “cần câu” chứ không chỉ cho “con cá”. Đồng thời, cũng giúp cảnh quan môi trường của Trường Sa đẹp lên rất nhiều.

Đây thực sự là sự “tiếp sức” tích cực, đầy ý nghĩa, góp phần làm cho đảo xanh hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn. Tất cả những điều đó sẽ góp phần vào sự nghiệp xây dựng Trường Sa ngày càng vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

BẠCH LIỄU

>> Bài 1: Công nghệ cao ra đảo

Tin cùng chuyên mục