Nhà vườn phấn khởi
Mua thanh long đến thăm con gái ở quận Bình Thạnh (TPHCM), ông Nguyễn Văn Xuân (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nhận định, giá bán ở TPHCM khá mềm, từ 20.000-30.000 đồng/kg. Là nông dân trồng thanh long, ông Xuân cho biết, 2 năm trước giá loại trái cây này tại Long An rớt thê thảm, năm nay vừa được mùa, vừa được giá.
“Thương lái tấp nập đến tận vườn thu mua, ở mức 11.000-13.000 đồng/kg thanh long ruột trắng; 40.000-43.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ loại 1; 30.000-32.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ loại 3… Trừ hết chi phí, một số nhà vườn thu về khoảng vài trăm triệu đồng/vụ”, ông Xuân chia sẻ…
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Thuận, nơi được coi là thủ phủ thanh long, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, gần như thương lái thu mua hết, không còn cảnh đại hạ giá bày bán lề đường, hay đổ cho bò ăn như những năm trước.
Ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, cho biết, giá thanh long ổn định từ đầu năm đến nay, ở mức từ 12.000-20.000 đồng/kg (tùy theo loại), bà con nông dân khá phấn khởi. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ ổn định, xuất khẩu đi nhiều quốc gia.
Với mặt hàng sầu riêng, nông dân ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đang vào vụ và “trúng lớn” khi thương lái thu mua tại vườn lên tới 65.000-70.000 đồng/kg giống Dona; 45.000-50.000 đồng/kg giống Ri6.
Chị Huỳnh Thanh Hoa, chủ một nhà vườn sầu riêng, cho biết, phần lớn sầu riêng được xuất bán sang Trung Quốc, số ít được tiêu thụ nội địa. Còn anh Nam Hiền có 10ha sầu riêng gần vườn quốc gia Nam Cát Tiên, cho biết, vườn chưa tới vụ thu hoạch nhưng cách đây hơn một tháng, thương lái đã đặt cọc tại vườn với giá 75.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mọi năm.
Là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, thời điểm hiện tại, trái cây bày bán ở TPHCM có giá không quá đắt đỏ. Tại nhiều tuyến đường chuyên bán sầu riêng như Trường Chinh (quận Tân Bình), Nguyễn Tri Phương (quận 10)…, các cửa hàng bán sầu riêng Ri6 có giá từ 70.000-85.000 đồng/kg. Một số loại trái cây khác như bơ, măng cụt, chôm chôm… cũng được bày bán tràn ngập tại một số chợ truyền thống ở khu vực quận 3, Tân Bình… với mức giá từ 25.000-30.000 đồng/kg bơ 034; 30.000 đồng/kg chôm chôm Thái Lan; 40.000-50.000 đồng/kg măng cụt.
Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại siêu thị BigC Gò Vấp (TPHCM) |
Kích cầu tiêu thụ
Bên cạnh thương lái thu mua với giá cả ổn định, thời gian qua, trái cây trong nước còn được sự tiếp sức của các siêu thị, hoặc các chương trình du lịch. Điển hình như tại TPHCM, hàng loạt hoạt động hỗ trợ nhà vườn như lễ hội trái cây, tuần lễ trái cây… đang diễn ra tại quận 8, huyện Củ Chi, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, cũng như tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, Go!, BigC…
Người tiêu dùng mua đặc sản trái cây như xoài Đồng Tháp, bơ Tây Nguyên, sầu riêng Lâm Đồng, chôm chôm, vải thiều, nhãn xuồng với giá khá mềm. Chẳng hạn, giá trái cây tại Tuần lễ “Trên bến dưới thuyền” tổ chức ở quận 8, được đánh giá tương đương, thậm chí rẻ hơn một số chợ: nhãn xuồng 48.000 đồng/kg, mận Hà Nội 19.000 đồng/kg; tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, sầu riêng Ri6 có giá từ 65.000 đồng/kg…
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết, ngoài mong muốn giới thiệu đặc sản trái cây nhiều vùng miền đến người tiêu dùng, Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” còn là hoạt động góp phần quảng bá du lịch của địa phương.
Cùng với việc hỗ trợ của chính quyền, hệ thống các siêu thị như BigC, Go!, MM Mega Market, Aeon Mall… cũng quan tâm thúc đẩy thị trường trái cây trong nước. Theo ước tính từ các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TPHCM, mùa hè này, sản lượng trái cây tiêu thụ lên tới hàng trăm ngàn tấn. Trong đó, Saigon Co.op với 800 điểm bán đang tung ra mặt hàng trái cây trồng trong nước tại lễ hội trái cây để kích cầu tiêu dùng, mức giá khuyến mãi giảm từ 20%-30%.
Tập đoàn Central Retail Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt, trong đó có các loại trái cây cho bà con nông dân, nhằm giảm thiểu tình trạng “được mùa mất giá”.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, dự kiến năm nay tập đoàn sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều Lục Ngạn, cùng hàng trăm tấn trái cây khác như xoài, sầu riêng, bơ… của nhiều tỉnh thành.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ước tính 6 tháng đầu năm, doanh thu từ xuất khẩu trái cây đã đạt hơn 2,2 tỷ USD; cả năm sẽ đạt mức 4,5 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với năm ngoái. Trong đó, mặt hàng sầu riêng và thanh long chiếm tỷ trọng cao. Đặc biệt, sầu riêng có cơ hội vươn lên trở thành mặt hàng tỷ USD khi vừa có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Nhìn chung, xuất khẩu mặt hàng rau quả Việt Nam nửa cuối năm sẽ tiếp tục tươi sáng.