Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng phát biểu: “Nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một quá trình tất yếu, chúng ta không thể bỏ lỡ chuyến tàu này được. Tất nhiên, rào cản còn nhiều, thách thức còn lớn nhưng tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được, nhiều mô hình thành công đã chỉ ra điều đó”. Để không lỡ chuyến tàu này và lên tàu là phải đến đích, vấn đề là làm thế nào cả “4 nhà” đều phải dấn thân một cách tỉnh táo.
Tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn
Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, đó là: “Khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”. Sau nhiều năm được xem xét thận trọng, vấn đề mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất đã có nhiều chuyển biến mới. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách, phương thức và cách làm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của quá trình phát triển về tích tụ đất đai vẫn chưa có cơ chế pháp lý chặt chẽ, hiệu quả về kinh tế và xã hội chưa thể hiện rõ.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân nên việc triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực rất cần tích tụ ruộng đất để giải phóng năng lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo giá trị gia tăng cao. Và một trong những rào cản lớn khiến doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp chính là thiếu đất sản xuất, do đó, chưa huy động được tất cả các thành phần kinh tế tham gia cùng quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Có thể thấy, vấn đề tích tụ ruộng đất thời gian qua đã được đề cập khá nhiều, nhưng với nhiều lo lắng và có phần né tránh, vì một loạt những băn khoăn như: Nếu không tiến hành thận trọng, tích tụ ruộng đất sẽ bắt bí hộ nghèo để mua được đất giá rẻ, hoặc thu hồi đất “bờ xôi, ruộng mật”, lập dự án treo; hay phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì lợi ích của một nhóm người nào đó; hay có thể làm nảy sinh tầng lớp địa chủ mới...
Hiện nay, người nông dân cũng đã ý thức được việc sản xuất nông nghiệp dựa trên diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không hiệu quả. Bản thân người nông dân rất mong muốn được phối hợp, hợp tác cùng các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu ra cho sản phẩm. Nhưng họ cũng luôn mong muốn quyền lợi của mình được bảo đảm thông qua sự bảo vệ bằng cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước.
Theo Tổng cục Đất đai (Bộ TN-MT), trong thời gian tới, để thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, cần tăng cường chất lượng dự báo, bảo đảm sự ổn định của quy hoạch. Bên cạnh đó, để hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất, cần minh bạch và hiện đại hóa thông tin thị trường, rà soát hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất cũng như nghiên cứu để sớm ban hành chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất…
Đột phá về vốn, thị trường
Để phát triển sản xuất theo phương thức NNCNC, các bên liên quan phải nhận thức đúng, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, có giải pháp thúc đẩy bản thân và các bên còn lại cùng hành động đúng. Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển NNCNC bền vững phải lấy nông dân làm chủ thể, doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy thị trường làm mục tiêu. Kế đến, phải trả lời được câu hỏi: sản xuất ngành hàng gì, thị trường tiêu thụ, có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hay không? Cả 3 yếu tố này, bản chất đều xuất phát từ thị trường. Bởi theo quy luật của thị trường thì làm ra hàng hóa gì, bán ở đâu và chất lượng hàng hóa thế nào đều do thị trường chi phối.
Theo các chuyên gia, để có một nền nông nghiệp phát triển đúng hướng, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cấp bách, đó là: Tập trung triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cần triển khai đúng hướng, cần xác định rõ lợi thế sản phẩm của từng vùng, gắn với thị trường trong và ngoài nước.
Trong quá trình tái cơ cấu, cần xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển thành công thì phải đi bằng 2 chân: Một là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó chú trọng công nghệ hiệu quả cao; hai là tổ chức lại sản xuất. Khâu tổ chức lại sản xuất hiện nay đang nặng về tổ chức lại hợp tác xã (HTX), trong khi đúng ra phải là tổ chức lại nguồn lực lao động, tổ chức lại việc tích tụ đất đai, tổ chức lại các loại hình dịch vụ trong các HTX; tổ chức lại các hình thức sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng và trình độ nông dân từng khu vực.
Doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hình thành các liên kết hộ, liên kết chủ trang trại - nông dân - doanh nghiệp… Các loại hình đó phải phù hợp với xu thế hội nhập cạnh tranh toàn cầu hiện nay, nghĩa là phải coi lực lượng doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt chứ không phải là người nông dân như 30 - 40 năm trước. Chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản xuất, tạo điều kiện cho người nông dân có thể nâng cao trình độ sản xuất, khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các hội và tổ chức hội nghề nghiệp hoạt động tốt hơn vì lợi ích của lực lượng nông dân. Các tổ chức hội sẽ đứng ra làm cầu nối với doanh nghiệp, tổ chức khác, cũng như tạo nguồn lực nhất định để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; lấy nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, trung tâm để giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn; từ kinh tế hộ nhỏ lẻ, sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao đời sống nông dân.
Cạnh tranh trong nông nghiệp là cạnh tranh có tính toàn cầu. Muốn gia tăng hiệu quả sản xuất để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân, sản xuất nông nghiệp của nước ta phải bám sát yêu cầu của thị trường thế giới, nhất là khi khách hàng mua nông sản ngày càng yêu cầu cao về chất lượng. Hơn nữa, thế giới ngày càng “phẳng hơn”, chỉ có con đường duy nhất là ứng dụng công nghệ mới, thông minh trong sản xuất nông nghiệp để giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh.
Thị trường vừa là điểm xuất phát đầu vào đầu tư sản xuất vừa là đầu ra sản phẩm sau sản xuất. Hạt nhân của thị trường chính là mỗi người dân, là cộng đồng xã hội. Cho nên, đáp ứng nhu cầu thị trường thực chất là đáp ứng nhu cầu của người dân. Do vậy, mỗi người tham gia vào NNCNC đều phải được giáo dục nhận thức và hành động trong tâm thế vừa là chủ thể sáng tạo nhưng đồng thời là người thụ hưởng sản phẩm. Phải không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng cuộc sống khách hàng và chính mình.
Ông Wantanabe Yasuo, chuyên gia tư vấn chính sách nông nghiệp của JICA, tư vấn: “Khi làm nông nghiệp thông minh, chúng tôi luôn nỗ lực tạo cảm giác an toàn và tin tưởng cho người tiêu dùng sản phẩm. Nó được thể hiện cả trong nỗ lực trình bày thông tin liên quan đến nông sản để tăng cường sự tin cậy của người tiêu dùng”.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế độc lập, cần có đột phá trong cơ chế đầu tư tín dụng phát triển NNCNC, nhất là cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Ngân hàng Nhà nước cần sớm hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về gói tín dụng trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng cho phát triển NNCNC với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất; không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này, mà cho nhiều ngân hàng thương mại cùng cạnh tranh tham gia nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức; tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi của chính sách như các đơn vị thụ hưởng.
Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích thành lập một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, cũng như coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện các ưu đãi thuế, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ; phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý CNC trong nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng và phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản; xây dựng và duy trì hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông nghiệp trong nước; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc làm hồ, đập thủy lợi nhỏ và có chính sách tín dụng cho vay vốn để thay đổi công nghệ trong sản xuất, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển.
"Đất nước chúng ta đang tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng áp dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và nông nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật đó. 3 năm chưa phải là thời gian quá dài, song một số lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu tái cơ cấu hiệu quả. Ở các địa phương, điều đáng mừng là trong 3 năm qua, 63 tỉnh thành đều coi mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị. Nông nghiệp áp dụng CNC là xu hướng chung của thế giới. Với CNC, nông nghiệp Việt có thể tạo ra những sản phẩm chuyên biệt, có lợi thế cạnh tranh. Về vốn cho NNCNC, Thủ tướng đã cam kết một gói tín dụng 60.000 tỷ đồng, và mới đây đã yêu cầu nâng lên 100.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực to lớn, để các doanh nghiệp, HTX có điều kiện để tiếp cận công nghệ, ứng dụng vào sản xuất" - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường |