Trên thực tế, mặc dù Nhà nước đã ban hành không ít chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển nông nghiệp nhưng chính sách vừa được ban hành thì đã thay đổi.
Rào cản về đất đai, công nghệ
Vốn, đất đai và công nghệ là 3 yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp có thể biến giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thành hiện thực nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trên thực tế, các doanh nghiệp nông nghiệp lại đang rất “đói khát” vốn, mặc dù chủ trương chính sách về tín dụng đã có. Không vay được vốn nên ít có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, đất đai đang bị phân tán manh mún cũng là nguyên nhân chính khó hình thành vùng chuyên canh phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, đất đai là nút thắt cần tháo gỡ đầu tiên, bởi nếu không có một quy mô nhất định thì không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả, chuỗi giá trị, bền vững. Do đó, đây là vấn đề quan trọng nhất. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành tập hợp những nội dung cụ thể để trên cơ sở đó những nội dung nào thuộc thông tư, thì các bộ phải tập trung tháo gỡ; những nội dung nào liên quan đến nghị định thì Chính phủ trực tiếp tháo gỡ; những vấn đề liên quan đến luật thì kiến nghị Quốc hội để sửa đổi...
Một điểm quan trọng nữa chính là sự liên kết, trong đó có 2 thành tố quan trọng mang tính quyết định là doanh nghiệp và HTX. Do đó cần phải có chính sách rõ ràng, ưu đãi hơn, khích lệ hơn để nhiều doanh nghiệp hơn nữa tập trung vào nông nghiệp. Cùng với đó cũng cần phải có chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác nói chung và HTX phải phát triển, để 13,8 triệu hộ nông dân không còn là các hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ mà phải dưới dạng HTX, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, góp phần giảm giá thành đầu vào sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của nông dân. Trong khi đó, Luật Đất đai ràng buộc việc triển khai tích tụ ruộng đất, vừa khó cho cơ quan đứng ra thuê quyền sử dụng đất (Luật Đất đai không quy định chính quyền được ký hợp đồng thuê đất của dân và không cho phép UBND cấp tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất khi chưa có quyết định thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng). Ngoài ra, Luật Ngân sách không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân sau đó thu của doanh nghiệp nhiều lần để hoàn trả. Mặt khác, quy định về hạn điền đã hạn chế việc các hộ dân đứng ra tích tụ, tập trung đất đai không được quá 10 lần…”, một chuyên gia về đất đai chỉ ra những rào cản.
Để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng CNC trong nông nghiệp đòi hỏi đầu tư một lượng vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Các doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn lớn dẫn đến công nghệ lạc hậu, khó cạnh tranh, chi phí sản xuất cao nên lợi nhuận thấp, không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu những công nghệ mới hơn. Trong khi đó, đa số ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ cho vay nguồn vốn ngắn và trung hạn với lãi suất không thật sự ưu đãi.
Ngoài ra, không phải doanh nghiệp, người nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư CNC vào sản xuất, bởi giá các sản phẩm công nghệ rất cao. Để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình NNCNC cần khoảng 140 - 150 tỷ đồng, tức là gấp 4-5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống. Tương tự, trong trồng trọt, để đầu tư cho 1ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới, bón phân tự động theo công nghệ của Israel cũng cần ít nhất 10 - 15 tỷ đồng.
Rào cản về vốn
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho biết, để tiếp sức cho NNCNC cất cánh, từ tháng 3-2017, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay đầu tư vào NNCNC, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường). Như vậy, đây không phải là vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho nông nghiệp mà là vốn vay tín dụng thông qua các ngân hàng thương mại.
Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nông nghiệp có ứng dụng CNC, hiện nay tổng dư nợ mà các ngân hàng cho vay mới đạt 36.000 tỷ đồng và các ngân hàng đang dẫn đầu về cho vay là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank… Như vậy, trên thực tế đến nay mới chỉ có 1/3 gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho NNCNC được giải ngân.
Ngoài ra còn thêm một nghịch lý là: Người vay (doanh nghiệp, nông dân) nếu không được vay từ phía ngân hàng thì cũng sẽ khó có đủ năng lực tài chính để hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi liên kết, để ký hợp đồng ổn định đầu ra cho sản phẩm. Các ngân hàng lại đặt điều kiện chỉ cho vay khi đã có chuỗi liên kết và đã có đầu ra ổn định.
Nói chung, nhiều yêu cầu của ngân hàng, từ phương án kinh doanh có khả thi hay không đến tài sản thế chấp, khả năng trả nợ khiến các doanh nghiệp, người nông dân cảm thấy rất khó vay được tiền của ngân hàng.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Liên minh HTX Việt Nam, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo nhiều địa phương, đại diện doanh nghiệp, các chủ trang trại cũng nêu bất cập khi doanh nghiệp nông nghiệp và HTX muốn vay vốn ngân hàng nhưng tài sản thế chấp lại được ngân hàng định giá quá thấp, hoặc đã có quy định không cần thế chấp tài sản nhưng ngân hàng lại đòi bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Mà tài sản của các HTX là do thành viên góp vốn thì làm gì có tài sản thế chấp”, ông Thái nêu bất cập.
Lý giải về vấn đề này, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết, hiện đang tích cực triển khai gói cho vay 100.000 tỷ đồng của Chính phủ. Agribank đã dành ra gói 50.000 tỷ đồng để cho vay phát triển NNCNC. Tuy nhiên, NNCNC còn là lĩnh vực mới mẻ và có nhiều rủi ro nên “đề nghị có cơ chế ràng buộc giữa doanh nghiệp và ngân hàng thì chúng tôi mới mạnh dạn bỏ vốn ra”, ông Thành giãi bày. Về việc bổ sung thêm các tài sản như: nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu, máy móc thiết bị và các tài sản khác vào giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm tài sản thế chấp vay vốn, ông Tiết Văn Thành cho biết, hiện nay Bộ TN-MT được giao nghiên cứu, bổ sung nhưng vẫn chưa có hướng dẫn, còn nếu có thì ngân hàng sẽ áp dụng.
Liên quan đến việc quy định tài sản thế chấp khi cho vay đầu tư vào nông nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung một số quy định mới như: Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi và nhu cầu vốn ngày càng tăng; ưu đãi cho vay NNCNC; nâng mức cho vay tối đa cá nhân, hộ nông nghiệp từ 50 triệu đồng hiện tại lên gấp đôi là 100 triệu đồng. Việc sửa đổi này nhằm tạo cơ chế thuận lợi hơn cho nông dân vay vốn.
Tại cuộc đối thoại với nông dân và cuộc làm việc với Liên minh HTX Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải cùng các ngân hàng thương mại xử lý dứt điểm những thủ tục làm nông dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay; các cơ quan chức năng xem xét sửa đổi Nghị định số 55, bổ sung các tài sản trên đất đủ điều kiện thế chấp khi vay vốn. Tín hiệu đáng mừng là mới đây, Thủ tướng đã có Quyết định 19/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 5-6 quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng tin tưởng làm các thủ tục cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào NNCNC. |
Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết: Liên kết có hiệu quả giữa nhà nông và doanh nghiệp là nội dung phải luôn luôn được xem xét một cách cẩn thận, trong chính sách và chủ trương đột phá của NNCNC.
Trình độ thâm canh của nông dân Việt Nam đã tạo được dấu ấn nhưng chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ bé của mình và đang bị chia cắt bởi thị trường lớn. Các nông hộ nhỏ bé với tâm lý ngán ngại tham gia vào tổ chức làm ăn quy mô lớn. Họ trở nên bị cô lập và là nạn nhân của biến động thị trường khi có khủng hoảng kinh tế lan rộng. Họ không thể tự bơi ra biển rộng khi Việt Nam là thành viên của WTO. Cánh đồng mẫu lớn là giải pháp trước mắt. Lâu dài vẫn phải là hợp tác xã nông nghiệp cải tiến với chính sách phát triển rõ ràng.
Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết 3 nhà còn lại gồm Nhà nước, nhà nông và hệ thống ngân hàng để hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất. Doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân của mối liên kết hỗ trợ đầu vào như giống, vật tư phân bón và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), các nút thắt chính trong chính sách cần phải tháo gỡ ngay: Đất đai manh mún, phân tán, thị trường đất nông nghiệp hoạt động yếu ớt; khó tiếp cận vốn đầu tư dài hạn và bài bản cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hạn chế; năng suất lao động nông nghiệp thấp, thị trường lao động nông thôn ách tắc, mất cân đối; mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghiệp trong nông nghiệp thấp; kinh tế hợp tác kém phát triển trong nông nghiệp nông thôn; tổ chức cộng đồng nông thôn yếu.