Tiếp sức sáng tạo cho ngành nông nghiệp - Bài 2: Xu hướng và triển vọng

Sau khi Nhà nước có chủ trương về đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để tạo bứt phá cho nền nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp cả nước đã hình thành một làn sóng đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công và cho thấy đây là một xu thế tất yếu!

Đã sẵn chủ trương, chính sách

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, nông nghiệp ứng dụng CNC (bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ giới và tự động hóa…) có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp và thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng CNC... Quốc hội cũng đã thông qua Luật CNC và từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020 với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả CNC trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm là 3,5%.

Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đầu tư cho một nền nông nghiệp ứng dụng CNC là chìa khóa để thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam khi hội nhập sâu với thị trường thế giới, nhưng cũng rất quan trọng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng đòi hỏi chất lượng hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, cùng với du lịch - dịch vụ và công nghệ thông tin, nông nghiệp cũng là một thế mạnh của Việt Nam.

Kể từ khi Luật CNC được ban hành (năm 2008) đến nay, đã có hàng ngàn tỷ đồng được huy động để đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC thông qua các doanh nghiệp và địa phương hoặc được lồng ghép vào các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản…

Đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để cho vay đầu tư làm nông nghiệp CNC, được coi là tín hiệu để giải bài toán về nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Tại ĐBSCL, cuộc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của vùng đã và đang manh nha hình thành. Ngày 24-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập khu NNCNC phát triển ngành tôm tỉnh Bạc Liêu nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, với quy mô 418,91ha. Mục tiêu là xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC để nhân rộng vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước.

Tại tỉnh Hậu Giang, Khu nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô 5.200ha cũng đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư. TS Lê Hoàng Xuyên, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang, cho biết, đến nay khu nông nghiệp đã tiếp và làm việc với 6 công ty, doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.

Nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị tưới nhỏ giọt, trồng cây ăn trái. Trong các phân khu, tỉnh kêu gọi đầu tư thủy sản, lúa, cây trồng cạn và vi sinh: Khu thực nghiệm trồng cây trồng cạn và vi sinh, khu thực nghiệm và trình diễn lúa.

Vừa qua, Đồng Tháp đã kiến nghị Bộ NN- PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung Khu ứng dụng NNCNC tỉnh Đồng Tháp, với diện tích 150 - 200ha, gồm 3 tiểu khu: vùng chuyên phát triển sản xuất hoa kiểng tại TP Sa Đéc; vùng chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch huyện Cao Lãnh và vùng chuyên canh hoa màu huyện Thanh Bình. Trung tâm ứng dụng NNCNC của tỉnh Đồng Tháp đang hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản từng bước chuyển giao giống hoa kiểng mới, kỹ thuật sản xuất CNC để thúc đẩy phát triển làng hoa Sa Đéc. Đồng thời khuyến khích nhà vườn sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP.

Hiện tại, Đồng Tháp có 21ha/25 hộ được cấp chứng nhận xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; 5ha/5 hộ được cấp chứng nhận xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang New Zealand với diện tích 33,2ha/40 hộ…

Nhiều doanh nghiệp cùng nhập cuộc

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến nay cả nước đã có 34 khu NNCNC được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, xét về quy mô diện tích thì có 7 khu có quy mô dưới 100ha tại Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Bình Dương và Cần Thơ; có 16 khu với diện tích trung bình 100 - 200ha tại Sơn La, Quảng Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tiền Giang và Cần Thơ; 5 khu với diện tích từ 200 - 400ha tại Thái Nguyên, Hà Nội, Lâm Đồng và Cần Thơ.

Đặc biệt có 6 khu có quy mô diện tích trên 400ha tại Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang và Bình Dương. Ngoài ra, hiện tại có thêm nhiều địa phương khác cũng đang rục rịch thu hút doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng cho NNCNC.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC thành công như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco (Bắc Ninh), Công ty Thái Dương, Công ty Marphavet, Công ty CP Thủy sản Trung Sơn…

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ tháng 6-2016 đến tháng 2-2017, đã có tới 25 dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào NNCNC với tổng vốn đầu tư khoảng 21.238 tỷ đồng cho nhiều lĩnh vực như: trồng trọt (14 dự án với 5.115 tỷ đồng), chăn nuôi (6 dự án với 14.700 tỷ đồng), thủy sản (5 dự án với hơn 1.400 tỷ đồng)…

Trong đó, đứng đầu bảng về mô hình NNCNC ở Việt Nam hiện nay phải là Tập đoàn TH với dự án trang trại bò sữa và nhà máy sản xuất sữa tươi sạch ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Bắt đầu khởi động từ năm 2009, đến nay trang trại bò sữa của tập đoàn này đã có tới 45.000 con được nuôi và sản xuất sữa theo mô hình CNC đúng nghĩa.

Tiếp sức sáng tạo cho ngành nông nghiệp - Bài 2: Xu hướng và triển vọng ảnh 1 Bò sữa trong trang trại của TH True Milk
Tất cả các hoạt động từ trồng cỏ, tưới tiêu, chế biến thức ăn gia súc, xử lý chất thải đến vắt sữa, chế biến sữa tươi… gần như được tự động hóa bởi máy móc và vi tính bằng công nghệ của nước ngoài như New Zealand, Israel, Hà Lan, Đức... Tại đây, hàng vạn con bò sữa được đeo chip và quản lý, theo dõi bằng phần mềm máy tính...

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada, quê gốc ở Trà Vinh, là một trong những người tiên phong về áp dụng IoT vào nông nghiệp tại ĐBSCL, nhận thấy: Tại Việt Nam, 5 phân khúc của chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ, đều đang bị làm sai.

Với suy nghĩ “phải làm cho đúng cái đang bị sai”, ông về quê, thành lập 3 công ty, tập trung vào việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp: Rynan Smart fertilizers (sản xuất phân bón thông minh); Rynan Technologies (thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước…); Rynan Agrifoods (thương mại điện tử). Ông đã đầu tư 7 triệu USD vào sản xuất “phân bón thông minh” và “phân bón tan chậm có kiểm soát” giúp năng suất lúa tăng hơn 10%, người nông dân sẽ tăng thu nhập gần 20%, giảm phát thải khí nhà kính hơn 50% từ phân bón.

Công ty Hoa Mặt Trời (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) được công nhận là doanh nghiệp NNCNC với sản lượng hàng triệu cành lan vũ nữ mỗi năm nhờ liên kết với các hộ nông dân.

Ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời, chia sẻ, ban đầu diện tích không đủ lớn, nguồn cung không đều nên hoa lan trồng ra chỉ xuất bán thị trường nội địa. Công ty đứng ra tổ chức liên kết với hơn 40 hộ nông dân tại 2 huyện Đức Trọng và Di Linh với tổng diện tích 32ha, mời chuyên gia từ Đài Loan, Nhật Bản sang chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy mô, sản xuất hoa, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý hoa sau khi thu hoạch một cách bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế. Riêng hoa của các hộ liên kết được đánh mã số riêng và chịu trách nhiệm cho tới tay người tiêu dùng, đó là cách quản lý gắn trách nhiệm tới từng thành viên.

Chỉ tính riêng xuất khẩu lan vũ nữ sang thị trường Nhật Bản và Australia, hàng năm đơn vị này đã xuất bán hơn 6 triệu cành, giá trị thu nhập bình quân 5 - 7 tỷ đồng/ha/năm, mở ra hướng đi cho nhiều địa phương chuyên trồng hoa tại Lâm Đồng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện địa phương có 127 HTX nông nghiệp, hàng trăm tổ liên kết và 54 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, địa phương đã chủ động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa với TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, do đó đã góp phần vào quảng bá thương hiệu rau, hoa Đà Lạt và giúp các cơ sở tăng nhanh khả năng tiêu thụ nông sản.

“Hiện có khoảng 60% sản lượng ứng dụng CNC được tiêu thụ qua hợp đồng, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung toàn tỉnh là 30%”, ông Sơn dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi có chủ trương phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC, đến nay số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp đã gia tăng rõ rệt dù vẫn chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, trong 2 năm vừa qua, từ 3.700 doanh nghiệp nông nghiệp nay đã tăng lên 7.620 doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp NNCNC đang là đầu tàu dẫn dắt, góp phần nâng cao năng suất, giá trị xuất khẩu và duy trì tốc độ tăng trưởng của nền nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản những năm gần đây liên tục bứt phá mạnh mẽ với kim ngạch tăng bình quân 9%/năm. Giá trị thặng dư ngành nông nghiệp cũng liên tục tăng từ năm 2015 tới nay và dự kiến năm nay sẽ vượt con số 9 tỷ USD.

Năm 2010, kim ngạch nông, lâm, thủy sản xuất khẩu mới đạt 19,5 tỷ USD nhưng đã tăng lên 36,37 tỷ USD vào năm 2017 và dự kiến có thể đạt 40 tỷ USD trong năm 2018. Đến nay, ngành nông nghiệp đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Hiện nay, các vùng sản xuất hoa ứng dụng CNC tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, TPHCM, Lâm Đồng; vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực xuất khẩu ứng dụng CNC tập trung tại Đông Nam bộ và ĐBSCL; vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An và Lâm Đồng; vùng chăn nuôi heo ngoại ứng dụng CNC tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ; vùng chăn nuôi gia cầm ứng dụng CNC tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và ĐBSCL; vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ ứng dụng CNC tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục