Tiếp sức sáng tạo cho ngành nông nghiệp - Bài 1: Hiện trạng manh mún
SGGP
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng lợi ích cho các bên tham gia làm nông nghiệp là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu thế thế giới.
Những năm gần đây có nhiều chính sách liên quan tới vấn đề này được ban hành đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng, ngành nghề, tổ chức trong và ngoài nước. Những thành quả bước đầu cũng đáng được ghi nhận và khích lệ với sự tham gia của một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Tuy nhiên cũng cần một cú “hích” đủ mạnh để tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, nước ta hiện có 13,8 triệu hộ nông dân canh tác trên 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Cánh đồng lớn, đến thời điểm này, được xem là bước đột phá trong dồn điền đổi thửa, nhưng quy mô nhỏ, diện tích tham gia còn hạn chế. Riêng tại ĐBSCL, từ hơn 10 năm nay đã đưa vào mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, thế nhưng đến nay mô hình này mới chỉ chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa toàn vùng.
13,8 triệu hộ nông dân, 78 triệu mảnh ruộng
Do diện cánh đồng lớn ít, việc áp dụng cơ giới hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn, làm tăng thêm chi phí sản xuất và tăng tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch. Thêm nữa, điều đó dẫn đến nghịch lý là sản lượng tăng nhưng thu nhập giảm. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ năm 1995 đến năm 2015, diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL đã tăng từ 3,2 triệu ha lên 4,3 triệu ha, sản lượng lúa cũng tăng từ 12,8 triệu tấn lên 25,7 triệu tấn, nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa hiện lại thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan và 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.
Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ và một phần của Hậu Giang là một trong những nơi sản xuất lúa gạo trọng điểm của ĐBSCL. Song, hiện nay việc sản xuất còn nhỏ lẻ, dựa nhiều vào nguồn tài nguyên, thiếu sự liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự can thiệp của các quốc gia vùng thượng nguồn sông Mê Công cũng là lo ngại cho tiểu vùng này. Do đó, cần có sự liên kết trong quản lý, sử dụng nguồn nước một cách tốt nhất. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: “Cái vướng lớn nhất chính là “thói quen, tập quán và tư duy” sản xuất của nông dân chậm thay đổi, sản xuất theo đám đông, không gắn với thị trường của doanh nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ làm cho xây dựng thương hiệu khó và chi phí đầu vào tăng cao, trong khi lợi thế cạnh tranh hiện dựa trên chi phí thấp và chất lượng nông sản cao.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp thì phải giải quyết gốc rễ của vấn đề là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Theo lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, những liên kết, hợp tác trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao do chưa có sự phối hợp đồng bộ, vẫn còn tình trạng tùy vào thế mạnh, cân đối lợi ích của từng tỉnh, thành để phát triển kinh tế địa phương.
Tại Lâm Đồng, những năm qua đã phát triển hơn 51.000ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), chiếm khoảng 18% tổng diện tích đất sản xuất. Lâm Đồng cũng là địa phương đi đầu trong mở rộng mô hình doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Hiện có 8 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp NNCNC (1 công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài) canh tác 278,6ha trên tổng số 679ha sản xuất. Các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất rau, hoa cao cấp. Bên cạnh đó, vào tháng 8-2017, UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao Thái Phiên, thuộc phường 12, TP Đà Lạt là vùng NNCNC với tổng diện tích 150ha. Dù vậy, sau gần 1 năm được công nhận, vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao Thái Phiên vẫn không có nhiều chuyển biến trong sản xuất. Sau nhiều năm, cách trồng hoa trong nhà kính bằng khung sắt, thậm chí nhiều diện tích vẫn sử dụng khung bằng tre đơn giản khiến khả năng cơ giới hóa bị hạn chế, sản xuất hoa chưa thực sự tạo bước đột phá.
Phân loại hoa ở Đà Lạt trước khi đóng gói xuất xưởng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Gia đình ông Bùi Văn Hội (tổ Thái Phước, phường 12, TP Đà Lạt) là một trong những người tiên phong tại làng Thái Phiên áp dụng mô hình nhà kính vào sản xuất hoa được xây dựng từ 20 năm trước, hiện nay trồng chuyên canh 1ha hoa cúc, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 1,8 triệu cành, thu về 1,5-1,7 tỷ đồng. Theo ông Hội: “Mô hình nhà kính được áp dụng nhiều năm nay và gần như không có thay đổi gì do vẫn đáp ứng được nhu cầu sản xuất của gia đình. Dù vậy nhà kính kiểu cũ khiến cho việc áp dụng cơ giới hóa trong vườn bị hạn chế, muốn đưa nhiều ứng dụng công nghệ vào sản xuất cũng khó”. Khó khăn của gia đình ông Hội cũng giống như gần 1.000 hộ dân tại Thái Phiên, nhất là đối với những hộ sử dụng nhà kính có khung bằng tre khi áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất gặp nhiều trở ngại.
Khó hình thành vùng chuyên canh Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh này là điểm đến lý tưởng với nền NNCNC vì có 445.783ha đất màu mỡ và lý tưởng cho nhiều loài cây trồng. Tỉnh cũng tự tin rằng đến năm 2020 sẽ thành lập 4 khu NNCNC gồm thị xã Đồng Xoài, Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú. Kỳ vọng là vậy, nhưng ngành nông nghiệp vẫn kém vui. Bởi ngành nông nghiệp Bình Phước còn nhiều trăn trở và suy tư trong câu chuyện này. Chỉ khu ứng dụng NNCNC ở Đồng Xoài 50ha sắp đưa vào hoạt động cũng bộc lộ hạn chế về cơ sở hạ tầng và xử lý chất thải trong khu cần phải tiếp tục xin đầu tư để hình thành khu ứng dụng NNCNC theo tiêu chuẩn nhất định. Trên địa bàn hiện nay, dường như các sản phẩm mang thương hiệu Bình Phước như điều, tiêu và cao su không còn chiếm thế thượng phong. Thời điểm này, mặt hàng trái cây Bình Phước lại đang được ưa chuộng và có xu hướng phát triển nở rộ. Gắn bó với cây ăn trái đã gần 30 năm, anh Dụng Quý Đông, chủ trang trại Quý Đông đã tạo dựng cơ nghiệp 300ha điều và 22ha trái cây. Vườn cây ăn trái cho sản lượng 1.150 tấn/năm và đem lại thu nhập khá cao. Anh Đông cho hay, Bình Phước được thiên nhiên ưu đãi có vùng đất bazan màu mỡ và các nông hộ canh tác liền kề nhau với diện tích lớn nên việc xây dựng và liên kết các hợp tác xã (HTX) thuận lợi cùng với nhiều nông sản đa dạng. Song buồn một nỗi, bài toán về liên kết vẫn chưa có lời giải nên các HTX rời rạc. Đặc biệt, vấn đề tập trung vùng chuyên canh rất khó và đang tồn tại ngay chính trang trại của anh Đông khi 400ha đất thuê được phân bổ cách xa nhau gần 100km. Việc cho thuê đất ngắn hạn khiến nông dân và chủ trang trại không dám mạnh dạn đầu tư nên rất khó để hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh chất lượng và bền vững. Tính ổn định là cần thiết nhưng với điệp khúc trồng - chặt thường xuyên tái lặp như hiện nay rất khó để kết nối và xây dựng vùng chuyên canh”, anh Đông phân tích. Là một thương hiệu lớn với 6ha bơ sáp, ông Dương Mã Dưỡng, Giám đốc Công ty TNHH Bơ sáp Mã Dưỡng (huyện Phú Riềng) đã từng đem trái bơ của mình đến với thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và được chào đón nồng nhiệt. Hiện nay giá bơ cực đại trên thị trường khoảng 150.000/kg, 1 cây bơ có thể cho thu nhập gần 30 triệu đồng/năm. Dù tâm huyết đầu tư NNCNC nhưng anh vẫn ngần ngại, do dự vì quỹ đất để hình thành khu vực chuyên canh eo hẹp dẫn đến vùng nguyên liệu bấp bênh. Trình độ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản còn lạc hậu, dựa vào kinh nghiệm là chính. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa và máy móc còn ít. Đặc biệt, lĩnh vực chế biến nông sản còn tồn tại nhiều bất cập như quy mô chế biến chỉ vừa và nhỏ, chủ yếu xuất khẩu thô và hàm lượng chế biến thấp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp với số lượng 7.600 doanh nghiệp. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ. Về cơ cấu doanh nghiệp, khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp tư nhân; còn lại là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. 96% các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đáng chú ý, về nguồn vốn sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% đến 10% tổng nguồn vốn của toàn doanh nghiệp. Trong đó, vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 1%.
Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và quy hoạch về xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp được nhận ưu đãi, hỗ trợ thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.