Đã nhìn thấy tụt hậu
Hơn 300 năm lịch sử hình thành và phát triển, cho thấy những thành tựu vùng đất phương Nam này đạt được chủ yếu do TP đã từng được hoạt động trong một môi trường thể chế tự do. Đó cũng là một phần văn hóa của người dân phương Nam có tính cách hào sảng, những con người trưởng thành từ công cuộc khai hoang và giao thương mua bán, cộng với những đặc thù của lịch sử đã khiến cho khu vực này vận hành trong một cơ chế và khuôn khổ không giống với bất cứ vùng nào trong cả nước.
Vì vậy, để tạo động lực cho TPHCM phát triển, đáp ứng các yêu cầu của làn sóng hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TP cần được trao một cơ chế đặc thù để khai thác hết những tiềm năng mạnh mẽ mà đô thị miền Nam này đang nắm giữ. TPHCM cũng hội tụ đầy đủ điều kiện để đóng vai trò là nơi thử nghiệm những ý tưởng mới để khai thác những vận hội mới.
Thấy được những yêu cầu cấp bách đó, ngày 24-11-2017 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Như vậy, một lần nữa TPHCM được “giải phóng” khỏi những cơ chế không còn phù hợp để thực hiện các dự án và quyết sách lớn, có ý nghĩa đối với sự phát triển của TP.
Cái TPHCM cần không phải và cũng không thể là “một chiếc bánh lớn hơn, mà là một cơ chế riêng biệt” như lời Chủ tịch UBND TPHCM ông Nguyễn Thành Phong. Và giờ đây, trách nhiệm lại đè nặng trên vai từng người dân TPHCM nhằm đảm bảo phát huy tối đa tác dụng của cơ chế đặc thù lần này, để TPHCM không đi trước lại về sau.
Những lợi thế vượt trội về việc làm và thu nhập, TPHCM trở thành đầu mối thu hút dân cư của cả nước. Hệ quả là mức độ tăng dân số cơ học của TP rất cao, bình quân 3,5% mỗi năm và hiện có khoảng trên 10 triệu dân với mật độ dân số cao gấp 13 lần mật độ trung bình của cả nước. Dân số tăng nhanh đã gây ra tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trong khi đó, nguồn lực được phân cấp để TPHCM chi cho đầu tư phát triển chưa tương xứng với khả năng tạo nguồn thu cũng như yêu cầu phát triển. Trong khoảng 2 thập niên qua, dù đã tạo ra gần 20% tổng thu nhập quốc dân và hơn 30% ngân sách quốc gia, nhưng TP chỉ được giữ lại chưa đến 25% nguồn thu (nay chỉ còn giữ lại 18%).
Những bất cập này ngày càng làm cho TPHCM tụt hậu không chỉ với các TP lớn trong khu vực, mà ngay cả đối với các tỉnh thành khác trong nước. Tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng, nguồn nước và môi sinh bị đe dọa, trong khi TPHCM luôn phải gánh vác trên vai sứ mạng to lớn phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Cái tính nhẫn nhịn chịu thương chịu khó đặc trưng của người miền Nam đã khiến nhân dân TP miệt mài lao động và không ngừng “thí điểm” những ý tưởng và mô hình mới để giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, và đặc biệt là đảm bảo tỷ lệ đóng góp về ngân sách trung ương để không làm mất cân đối cán cân tài khóa quốc gia. Nhưng nhân dân TP cũng phải đảm bảo những mô hình và ý tưởng mới đó không “xé rào” thể chế chính sách, và đặc biệt không làm ảnh hưởng đến các tỉnh, thành và địa phương khác trong cả nước. Một nghịch lý như vậy trong suốt một thời gian dài đã trói buộc TP trong một chiếc áo cơ chế ngày càng chật chội.
Giờ đây TPHCM đã được trao một cơ chế rất “mở”, đó là những vấn đề gì thực tiễn đặt ra mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nhưng chưa phù hợp, TPHCM đề nghị Chính phủ cho phép làm thí điểm. Điều này là một cơ hội rất lớn vì nó cho phép TPHCM tiếp tục mạnh dạn thử nghiệm những mô hình và giải pháp mới để vượt qua những vấn đề vướng mắc do cơ chế quản lý tạo ra, mà theo lẽ thường để giải quyết hoặc để thông qua đòi hỏi thời gian chờ đợi rất lâu và điều này sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội vàng ngọc của TP.
Giờ đây Chính quyền TPHCM được quyết định những chủ trương đầu tư đối với các dự án lớn mà trước đây phải trình Thủ tướng Chính phủ. Vốn là nơi đất lành chim đậu, TP cũng được quyền chủ động tăng mức thu nhập cho cán bộ công chức, chuyên gia, nhà khoa học và những người có tài năng, đặc biệt để thu hút và giữ chân hiền tài. Về mặt tài chính, Chính quyền TPHCM được phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, là công cụ huy động vốn quan trọng và phổ biến để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của các đô thị lớn trên thế giới.
Ngoài ra, cơ chế còn cho phép TPHCM giữ lại một số khoản thu, đặc biệt là nguồn vốn thoái vốn, cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước do TP quản lý. Toàn bộ số tiền này được sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng của TP, không phải nộp cho Trung ương và thêm một số khoản chia khác để tăng nguồn thu. Đó là những nhóm vấn đề tăng tự chủ để tạo nguồn thu. Ngoài ra, mức dư nợ cũng được lên 90% tổng ngân sách địa phương trong năm, vượt lên so với Luật Ngân sách hiện hành.
Để có được một “MÙA XUÂN” như năm nay, chính quyền và nhân dân TPHCM đã bỏ ra hơn 15 năm vận động và cố gắng thuyết phục Bộ Chính trị kể từ khi Nghị quyết 20 về phát triển TPHCM đến năm 2010 và giai đoạn tiếp theo được ban hành vào năm 2002. Kể từ đó cho đến nay là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, để đảm bảo “đầu tàu không thể chậm” như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.