Gần 1 triệu tấn trái cây đến kỳ thu hoạch
Trong khi Quốc hội đang họp bàn về gói hỗ trợ thì hàng ngàn xe container chở trái cây mắc kẹt ở các cửa khẩu phía Bắc từ đầu tháng 12-2021 tới nay, lớp bị đổ bỏ, lớp phải quay về kêu gọi thị trường nội địa “giải cứu”. Theo Bộ NN-PTNT, đến Tết Nhâm Dần, có gần 1 triệu tấn nông sản như mít, xoài, dứa, thanh long… đến kỳ thu hoạch cần tiêu thụ. Hầu hết các loại trái cây này chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên vì Trung Quốc đang thực thi chính sách “Zero Covid” nên trái thanh long sẽ ngưng nhập cho đến 24 tháng Chạp, còn các loại trái cây khác sẽ ngưng nhập 14 ngày trước tết và 14 ngày sau tết.
Có mặt tại “thủ phủ” thanh long tỉnh Bình Thuận những ngày này, nhìn trái đang thu hoạch, lớp chín đỏ trên cây, lớp sắp chín mà nhói lòng. Ông Huỳnh Cảnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, thông tin, thanh long của địa phương được xuất qua Trung Quốc theo đường bộ và đường biển. Ngay khi phía Trung Quốc thông báo tạm dừng thu mua qua cửa khẩu đường bộ, việc tiêu thụ thanh long bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc xuất khẩu bằng đường biển không dễ, vì hiện không đủ container nên cước vận tải bị đẩy lên gần 200 triệu đồng/container! Trước đó tại cuộc họp “giải cứu nông sản”, đại diện tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh có 10.000ha thanh long vào mùa thu hoạch, sản lượng 20.000 tấn. Vì thương lái từ chối mua nên tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống kho lạnh trữ hàng, nhưng chỉ giải quyết được 5.400 tấn!
Mặt dù toàn ngành nông nghiệp năm 2021 xuất khẩu kỷ lục nhưng “quà” không chia đều cho tất cả lĩnh vực, trường hợp trái cây là ví dụ. Những người nông dân thất thu từ lứa trái cây này sẽ có cái tết hết sức khó khăn. Theo giám đốc một công ty đầu tư khá lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nguyên nhân cơ bản về tình trạng bấp bênh của ngành nông nghiệp là do thiếu trầm trọng hệ thống kho bãi, cơ sở bảo quản đông lạnh, trung tâm logistics, nhà máy chế biến… ở ngay vùng sản xuất cũng như tại các cửa khẩu.
Cần đầu tư lớn cho hậu thu hoạch
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, xây dựng kho bãi bảo quản, kho lạnh, kho ngoại quan… cho nông sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay cũng như lâu dài. Tại các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An… sản lượng thu hoạch tới 1,4 triệu tấn/năm, nhưng đến nay kho lạnh không đáp ứng nhu cầu.
Thực tế nhiều năm qua, cứ vào mùa thu hoạch là nông sản lại ách tắc ở cửa khẩu, chứ không chỉ khi các nước nhập khẩu áp dụng nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid” như hiện nay. Vì vậy, để tính giải pháp lâu dài cho những năm tới, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án Đầu tư hệ thống kho lạnh chuyên dụng bảo quản nông sản, hình thành các trung tâm logistics hiện đại, tích hợp các hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, thủ tục thông quan… tại cửa khẩu. Đề án đã trình Chính phủ; trước mắt tỉnh Quảng Ninh đề xuất triển khai thí điểm ở cửa khẩu Móng Cái.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, việc cần có gói hỗ trợ phục hồi trong ngành nông nghiệp ngay lúc này là cần thiết. Tuy nhiên, theo các lĩnh vực dự kiến được phân bổ theo gói hỗ trợ vừa đề xuất, ngành nông nghiệp không đứng riêng mà chỉ nằm trong mục chung “Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: 110.000 tỷ đồng”. Thực ra hợp tác xã nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ so với tỷ lệ khoảng 63% làm nông nghiệp. Như vậy, gói kích thích chỉ hỗ trợ nông nghiệp thông qua hợp tác xã là rất ít, không đáng kể. Nếu không có gói hỗ trợ riêng và đủ lớn cho nông nghiệp, những tồn tại hiện nay “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, “giải cứu nông sản” chưa thể được khắc phục ngay!