Thiếu sức cạnh tranh
Đơn cử, tỷ lệ này của ngành dệt may mới đạt 40% - 45%. Điểm nghẽn chủ yếu của CNHT ngành dệt may là công nghệ nhuộm vải cũng như công tác xử lý môi trường cho công nghệ này chưa được quan tâm đúng mức, đã hạn chế doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất dệt vải.
Tương tự, đối với ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ mới đạt 7% - 10%, trong khi mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Đáng chú ý là ngành điện tử cũng đang phụ thuộc rất lớn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%; điện tử chuyên dụng hay công nghiệp công nghệ cao là 5%.
Tuy nhiên, hầu hết linh kiện nội địa hóa lại đều do các công ty FDI cung cấp, còn DN Việt Nam chỉ chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn… với giá trị rất nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần do nguồn lực đầu tư cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước cho các ngành công nghiệp ưu tiên, CNHT còn khiêm tốn, chưa đủ mạnh và hiệu quả, chưa tương xứng với quy mô và vai trò vốn có. Các chính sách phát triển CNHT chậm ban hành và thiếu đồng bộ, nhất quán.
Trong khi đó, nhận định về nền CNHT của Việt Nam, nhiều đối tác nước ngoài cho rằng, năng lực cung ứng của các DN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do chỉ sản xuất theo từng đơn hàng nhỏ lẻ, không mang tính hàng loạt. Giá cả chưa cạnh tranh cũng là một điểm trừ làm giảm cơ hội cho CNHT Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, nếu nỗ lực khắc phục những hạn chế này, cơ hội sẽ mở rộng cho các DN trong ngành CNHT. Còn theo PGS-TS Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội CNHT Việt Nam, ngoài các nguyên nhân nêu trên, còn do một số DN chưa chủ động kết nối với khu vực FDI; chưa cải thiện mạnh mẽ khả năng tham gia xuất khẩu trực tiếp, nhất là trong ngành chế tạo. Ngay cả việc xuất khẩu gián tiếp, thông qua cung ứng sản phẩm đầu vào cho khu vực FDI cũng còn là thách thức không nhỏ đối với DN trong nước.
Thêm cơ chế, chính sách ưu đãi
Bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT, trong buổi hội thảo gần đây, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, lưu ý hiện nay làn sóng đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dời nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam để tiết kiệm chi phí sản xuất. Với sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư nước ngoài như vậy, DN Việt Nam phải có sự chuẩn bị để tranh thủ cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư.
Tuy nhiên, việc đạt được tiêu chuẩn của các công ty nước ngoài để thu hút được vốn đầu tư không phải là điều đơn giản, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều thay đổi nhanh ở mọi khía cạnh và công đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, vấn đề quan trọng là chất lượng và hiệu quả thu hút FDI như trình độ công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, lao động qua đào tạo.
“Đây là những vấn đề đã có nhiều mô hình thành công, nhất là DN FDI với các DN Việt Nam liên kết theo chuỗi giá trị. Để bảo đảm các mục tiêu về chất lượng thu hút FDI được thực hiện nhanh thì cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư theo hướng gắn với kết quả chứ không chỉ đơn thuần dựa vào quy định tại giấy chứng nhận đầu tư”, GS-TSKH Nguyễn Mại đề xuất.
Trước thực trạng trên và nhằm hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn phát triển ngành CNHT, đón đầu công nghiệp 4.0, UBND TPHCM đã ban hành nghị quyết về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT, giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, các DN CNHT được hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án. Bên cạnh đó, TPHCM cũng triển khai chính sách về phát triển CNHT với các nội dung: Kết nối cung cầu sản phẩm giữa DN của TPHCM với các DN đầu cuối, DN thuộc lĩnh vực FDI, DN nước ngoài; giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các tập đoàn FDI.
Đến nay, Sở Công thương TPHCM đã hỗ trợ nhiều DN có nhu cầu tham gia chương trình kích cầu với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 222 tỷ đồng. Chương trình đào tạo tư vấn về năng suất và chất lượng cho DN cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực khi giúp được nhiều DN CNHT thay đổi được quy trình sản xuất, quản trị DN hiệu quả.
Nhờ chương trình kích cầu đầu tư, một số DN CNHT ngành cơ khí đã từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm, trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 (cung ứng khuôn mẫu, linh kiện nhựa kỹ thuật, bao bì…) cho sản phẩm hoàn chỉnh của ngành điện tử, ô tô của các tập đoàn FDI, dù còn khiêm tốn. Điều này đã mở thêm cơ hội cho các DN CNHT tham gia cung ứng cho DN trong và ngoài nước trong tương lai. Có thể thấy, nếu các cơ chế, chính sách và mô hình hỗ trợ của TPHCM tiếp tục được duy trì, nhân rộng, trong tương lai các DN CNHT trong nước có thể hòa nhịp vào chuỗi cung ứng.