Chương trình lên sóng số đầu tiên vào ngày 1-12-2017. Chương trình do nhà báo Thu Uyên khởi xướng, là hoạt động nhân đạo hiếm hoi tại Việt Nam trong lĩnh vực hàn gắn ly tán, chia ly. Được biết, chương trình cũng hợp tác với 12 đài truyền hình trên thế giới, cùng tìm kiếm và đoàn tụ cho những người gốc Việt và những người tìm người thân hiện ở Việt Nam.
Theo thống kê trên website của chương trình, đã có 915 cuộc đoàn tụ được thực hiện. Hành trình 13 năm ấy nhiều gian nan, đã có những lúc phải tạm ngưng, nhưng rồi, như mạch ngầm nó vẫn âm thầm chảy mãi. Khoảnh khắc những người thân thất lạc nhau, có khi đến vài chục năm trên sân khấu, hòa trong nước mắt và nụ cười vẫn luôn ám ảnh người xem.
Khi thông tin chương trình truyền hình phải ngừng lại do khó khăn về kinh phí, nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Nhưng rất may, những cánh tay nối dài đã xuất hiện kịp lúc. Thừa nhận mình là người hâm mộ của chương trình suốt 13 năm, ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng Công ty Viet Vision và đối tác giấu tên quyết định ủng hộ số tiền 3 tỷ đồng - đảm bảo cho những cuộc tìm kiếm không dừng lại, ít nhất trong vòng nửa năm đến một năm tới.
Nhắc đến con số 13, chợt chạnh lòng khi nghĩ đến Vượt lên chính mình. Chương trình được mệnh danh “gameshow của nước mắt” này đã thắp lên niềm hy vọng cho biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng đáng tiếc, phép màu đã không đến với Vượt lên chính mình như trường hợp của Như chưa hề có cuộc chia ly.
Giá như thời điểm đó cũng có những người tiên phong, những nhà tài trợ, mạnh thường quân lên tiếng và dùng sức ảnh hưởng của mạng xã hội như hiện nay, có lẽ hành trình mang hy vọng và tiếng cười đến cho bà con nghèo của chương trình sẽ tiếp tục được nối dài. Và, đó cũng là niềm mơ ước chung của ê kíp thực hiện những: Lục lạc vàng, Ngôi nhà mơ ước, Tiếp sức hồi sinh, Ước mơ từ làng…
Là cầu nối đoàn tụ, yêu thương, chia sẻ nhưng thiết nghĩ giá trị lớn nhất của những chương trình như vậy chính là thắp lên ánh sáng niềm tin. Giữa những bộn bề lo toan của xã hội với biết bao âu lo của cơm áo gạo tiền, những mảnh đời kém may mắn kia sẽ vẫn còn hy vọng về những điều tốt đẹp, thiện lương trong xã hội. Trao cho họ những ký gạo, những gói muối, đường, dầu ăn… hay lớn hơn là cất những ngôi nhà, xây những nhịp cầu, đưa người thân họ trở về là rất đáng quý. Nhưng, trong cuộc sống này trao cho họ hy vọng đó mới là điều thật sự vô giá. Và những chương trình thiện nguyện đã tiếp sức cho “hành trình hy vọng” đó.