Niềm vui có sách vở mới
Mặc dù sân trường vẫn còn bừa bộn do ngập nước và bùn đất sau những trận mưa lũ vừa qua, thầy trò trường cùng ra đón đoàn, chung tay chuyển sách giáo khoa, vở, bút viết từ trên xe xuống đưa vào phòng, sắp xếp gọn gàng để trao ngay cho 200 học sinh khó khăn vừa bị nước lụt làm hư hỏng hết sách vở.
Vóc người nhỏ bé ôm chặt bộ sách giáo khoa mới tinh, 20 cuốn tập và bút viết bằng hai cánh tay gầy guộc, A Thị Y Phụng (lớp 7/2, nhà ở thôn Pà Dá, xã Cà Dy), nói trong lúc mắt không rời khỏi món quà trên tay: “Mấy hôm nay con và nhiều bạn cùng lớp phải học chung sách với các bạn khác. Không có sách vở để ôn tập và chuẩn bị bài mới, con chỉ sợ không theo kịp bài cô dạy”. Không phải chỉ một mình Y Phụng, mà 307 học sinh dân tộc (hầu hết là người dân tộc Cơ Tu) đều học nội trú tại trường do nhà quá xa, có em nhà cách trường đến gần 40 cây số.
Cùng tâm trạng, A Rất Tấn Tài (lớp 9/2, ở thôn Ga Lee, xã Tà Bhing) còn tỏ ra lo lắng hơn, khi em đang học lớp cuối cấp. “Con đã quyết tập trung học, cố gắng đạt điểm tốt để được tiếp tục học lên lớp 10. Vậy mà bão tràn vào rồi ngập lụt, sách vở bị ướt hết không còn gì, muốn mua lại cũng khó…”.
Cô Lê Cảnh Phương Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS liên xã Cà Dy - Tà Bhing, cho biết: “Bão số 9 cùng với mưa lũ những ngày vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cơ sở vật chất của nhà trường. Nước dâng cao trên 1,5m, làm ngập 3 phòng học, 2 phòng ăn học sinh và nhà bếp. Toàn bộ sách vở của các em học sinh đều hư hỏng do bị ngâm nước; chén đũa, xoong nồi, thau rổ, đồ dùng nhà bếp bị nước cuốn trôi; bồn nước inox, hệ thống gas công nghiệp (gồm tủ nấu cơm, bếp nấu thức ăn) bị nước đẩy ra xa, đổ, gãy các dây nối từ gas sang bếp. Để khôi phục như trước sẽ khá tốn kém và mất nhiều công sức.
Cô Hạnh chỉ cho chúng tôi dấu nước lụt mấp mé mái tôn dãy phòng học. Để có thể tiếp tục dạy học, thầy cô và tất cả học sinh đã phải cùng nhau dọn dẹp, lau chùi phòng ốc, bàn ghế suốt mấy ngày trời. Dãy phòng ở nội trú của các em vốn đã cũ kỹ, sau lụt lại càng ẩm thấp hơn. Chúng tôi không khỏi xót xa, lo lắng khi quan sát thấy căn phòng diện tích chưa đầy 20m2 dành cho 12 em học sinh, có 2 góc tường bị nứt toác, nhìn thấy cả khoảng không bên ngoài, hiện chỉ được chống đơn giản bằng 2 thân cây nhỏ. Trao đổi với đoàn, cô Hạnh cho biết, do có dự kiến di dời trường về một địa điểm khác nên 7 năm qua, mọi đề xuất sửa sang, tu bổ cho trường đều không thể thực hiện; trong khi kết cấu, cơ sở vật chất ở nơi mới lại không phù hợp với yêu cầu dạy học.
Hỗ trợ mền ấm trước mùa giá rét
Đảo quanh nơi ở của các em, chúng tôi thấy đồ dùng cá nhân do cha mẹ sắm để con đến trường hết sức đơn giản. Một cái gối nhỏ, tấm mền mỏng mà cũng đứa có, đứa không giữa thời tiết lạnh lẽo của một huyện miền núi mùa dông bão. Sắp vào mùa giá rét, các em sẽ chịu đựng thế nào? Trước thực tế này, Báo SGGP đã quyết định mua tặng và chuyển ngay đến trường thêm 200 chiếc mền ấm. Cùng ngày, đoàn cũng trực tiếp trao 200 phần quà tương tự đến học sinh Trường THCS Thạnh Mỹ.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang, bày tỏ: “Hiện giờ, mỗi tấm lòng, mỗi món quà các đơn vị, mạnh thường quân mang tới, chúng tôi đều rất cần thiết và quý giá. Ngành giáo dục cũng đã chủ động phân bổ, chia sẻ các nguồn hỗ trợ để học sinh các trường bị ảnh hưởng bởi bão lũ đều được quan tâm, giúp đỡ. Sự tiếp sức này sẽ giúp thầy trò Nam Giang chúng tôi sớm ổn định việc dạy và học”.
Trong hôm nay 10-11, tại tỉnh Quảng Nam, đoàn công tác Báo SGGP tiếp tục trao 200 phần quà gồm sách, vở và mền cho học sinh Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn). Bên cạnh đó, gần 500 phần quà gồm sách giáo khoa, tập vở, bút viết cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng đến với học sinh Trường Tiểu học Trà Tập, thuộc huyện miền núi Nam Trà My. Hiện tuyến đường từ Đà Nẵng lên Nam Trà My vẫn còn những điểm sạt lở chưa xử lý xong. 500 phần quà trên sẽ được chuyển đến học sinh vùng núi bị lụt ngay khi đường thông tuyến.
Toàn bộ kinh phí cho chương trình này từ nguồn ủng hộ của Công ty Amway Việt Nam.