Ăn, ngủ cùng laptop
Thời điểm hiện tại, trên trang Facebook cá nhân của nhiều giáo viên, những dòng trạng thái mệt mỏi, những lời động viên nhau xuất hiện ngày càng nhiều. Cô S.T., giáo viên Ngữ văn ở một trường THPT tại huyện Hóc Môn, cho biết, hơn một tháng qua điện thoại cô vắt hết công suất. Trường phân công dạy 11 lớp, mỗi lớp thành lập một nhóm Zalo. Phụ huynh kết bạn Zalo hỏi thăm tình hình lớp, thắc mắc việc học của con khiến điện thoại giáo viên “tít, tít” liên tục. Chưa kể các nhóm Zalo trao đổi chuyên môn của tổ bộ môn, công đoàn, ban giám hiệu, nhóm giáo viên cốt cán...
Chỉ riêng việc đọc hết tin nhắn trên những nhóm chat cùng việc xử lý hàng loạt vấn đề phát sinh từ các cuộc trao đổi đã khiến giáo viên “mờ mắt”. Cùng cảnh ngộ, thầy V.K.B, giáo viên một trường THCS ở quận 1, tự họa chân dung trên Facebook: “Hiện tại mình nhức sau gáy, mắt thì thâm, miệng thì khan, lưng thì đau, bụng tích mỡ do ngồi nhiều”. Ngoài ra, không khó để bắt gặp những dòng trạng thái bỏ lửng như “Hết ngày chủ nhật…”, “Một tháng rồi…” trên Facebook của các giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Đan Thùy, giáo viên lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Bình Thạnh), cho biết, quá trình soạn bài giảng đòi hỏi giáo viên phải thử nghiệm nhiều phần mềm và công cụ dạy học khác nhau. Dù hoạt động chuẩn bị có sự chia sẻ của các thầy, cô giáo trong tổ bộ môn nhưng mỗi tiết dạy cần sự linh hoạt ứng phó của từng giáo viên, đặc biệt trong việc xử lý các trục trặc về đường truyền mạng, máy móc thiết bị, file bài giảng bị lỗi...
Ngay cả với việc đưa các trò chơi tương tác vào tiết dạy cho học sinh, cô Phạm Minh Trang, giáo viên Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình), cũng khéo léo lồng ghép vào buổi họp trực tuyến đầu năm với phụ huynh. “Tôi cho phụ huynh trải nghiệm các hoạt động tương tác trước khi áp dụng cho học sinh để qua đó vừa đánh giá mức độ thu hút của trò chơi vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh”, giáo viên này cho biết. Với nỗ lực đem đến những bài giảng tốt nhất cho học sinh, các thầy, cô giáo phải đầu tư rất nhiều thời gian, tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu khác nhau và luôn làm mới mình sau mỗi tiết dạy.
Một trở ngại khác, theo ThS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhiều phụ huynh hiện nay có thói quen phó thác hoàn toàn việc học của con cho giáo viên, bản thân phụ huynh không dành thời gian tiếp cận thử các phần mềm con đang theo học. Trong khi đó, dạy học trực tuyến hiện nay đa phần tác động một chiều, học sinh chủ yếu lắng nghe và quan sát, sự tập trung chú ý của các em phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng truyền tải của giáo viên. Vì vậy, trách nhiệm đặt lên vai các thầy, cô giáo càng nhiều hơn. Nhiều người đã nói vui rằng, dạy học trực tuyến tuy không đòi hỏi giáo viên đến trường nhưng ngược lại, thời gian dành cho công việc nhiều hơn gấp chục lần thời gian lên lớp.
Cần sự đồng hành của phụ huynh
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng, thời điểm hiện tại, giáo viên và học sinh rất cần sự đồng hành của cha mẹ học sinh trong việc phối hợp hỗ trợ con học tại nhà. Đặc biệt với đối tượng học sinh lớp 1 chưa có nhiều trải nghiệm học tập trên môi trường Internet, các kỹ năng học tập cơ bản như nghe, nói, đọc, viết, tính toán còn hạn chế, tâm lý của các con đang chuyển từ giai đoạn “vui chơi là chính” ở bậc mầm non sang “học tập là chính” ở bậc tiểu học, sự quan tâm đồng hành của phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đối với các bậc học lớn hơn, theo bà Đỗ Hồng Dinh, Giám đốc Kinh doanh IOT, Tập đoàn Công nghệ Intel, vấn đề an toàn mạng đối với học sinh khi học tập qua môi trường Internet cần được nhà trường và gia đình chú trọng. Trong điều kiện học tập bình thường (học sinh đến trường học trực tiếp), Internet hỗ trợ học sinh tra cứu, tiếp cận nhiều nguồn tài liệu học tập khác nhau; nhưng luôn đi kèm mặt trái là khiến học sinh bị phân tán thời gian do chơi game, truy cập các website không lành mạnh. Do đó, khi hình thức học tập chuyển đổi hoàn toàn, học sinh càng có nhiều thời gian và điều kiện tiếp xúc môi trường Internet. Chuyên gia này nhận định, quản lý học sinh trong giai đoạn hiện tại là trách nhiệm chung của cả gia đình và giáo viên chứ không chỉ giao nhiệm vụ cho trường học. Trong quá trình học sinh tham gia học tập, phụ huynh và giáo viên cần kết hợp chặt chẽ trong việc đồng hành cùng học sinh, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu sử dụng Internet của các em vào những mục đích phù hợp, không nên giao khoán máy tính cho con em rồi không quan tâm, nhắc nhở.