Tiếp sức giáo viên mầm non ngoài công lập

Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND (ngày 9-12-2021) của HĐND TPHCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp có hiệu lực thi hành từ tháng 12-2021, trong đó đề cập đến hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, đến nay số lượng giáo viên được nhận trợ cấp vẫn rất hạn chế.

Mỗi nơi hiểu một cách

Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND, báo cáo của Phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, tính đến tháng 3-2023, toàn quận không có giáo viên mầm non ngoài công lập nào được nhận hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, lý giải, do địa bàn không có khu công nghiệp (KCN) trú đóng nên không có giáo viên và cơ sở mầm non ngoài công lập nào được nhận chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, địa bàn giáp ranh với quận Tân Bình là quận Tân Phú có KCN Tân Bình đang hoạt động với quy mô 120ha, hơn 100 doanh nghiệp. Rà soát thực tế cho thấy, địa bàn phường 15 (quận Tân Bình) có nhiều khu nhà trọ công nhân với nhu cầu gửi trẻ khá lớn. Tuy nhiên, do cách hiểu chính sách chỉ triển khai trong phạm vi một quận nên địa phương không xác định đối tượng được nhận hỗ trợ.

Học sinh Trường Mầm non tư thục Tân Đông (TP Thủ Đức, TPHCM), một trong những cơ sở mầm non nhận nhiều trẻ có cha mẹ là công nhân

Học sinh Trường Mầm non tư thục Tân Đông (TP Thủ Đức, TPHCM),

một trong những cơ sở mầm non nhận nhiều trẻ có cha mẹ là công nhân

Tương tự, tại quận 12, dù có KCN Tân Thới Hiệp trú đóng trên địa bàn phường Hiệp Thành với quy mô 28 doanh nghiệp, hơn 7.000 công nhân đang làm việc, nhưng toàn quận chỉ có 3/352 giáo viên ngoài công lập đủ điều kiện nhận trợ cấp với tổng kinh phí hơn 13 triệu đồng. Các trường hợp còn lại không đủ điều kiện nhận hỗ trợ do giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo (cao đẳng mầm non) hoặc lớp học không có đủ 30% học sinh là con công nhân, người lao động đang làm việc tại KCN trên địa bàn phường Hiệp Thành.

Riêng tại TP Thủ Đức, chính sách hỗ trợ giáo viên ngoài công lập được áp dụng chung cho tất cả cơ sở mầm non ngoài công lập, không phân biệt địa giới hành chính giữa các phường. Tuy nhiên, bà Kiều Mỹ Chi, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, trăn trở: “Khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là giáo viên ngoài công lập có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ lớn. Mặc dù các cô đang theo học các lớp nâng chuẩn trình độ đào tạo, nhưng chính sách trợ cấp chưa có hướng mở đối với nhóm đối tượng này khiến đội ngũ giáo viên có nhiều tâm tư”.

Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM, băn khoăn: “Vì sao cùng một văn bản quy phạm pháp luật nhưng tồn tại nhiều cách hiểu dẫn đến cách làm khác nhau giữa các quận, huyện?”. Trên thực tế, phạm vi áp dụng của Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND là toàn TPHCM, tức không phân biệt quận có KCN trú đóng hay không có KCN. Song, do cách hiểu bó hẹp theo địa bàn phường hoặc ranh giới hành chính giữa các quận, huyện khiến chính sách hỗ trợ chưa tiếp cận sâu rộng đến giáo viên.

Triển khai linh hoạt chính sách hỗ trợ

Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Lành, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ (quận Tân Bình), cho biết: “Đặc thù riêng của trường tư thục là không chỉ tuyển sinh đầu năm học mà nhận học sinh mới quanh năm. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ được triển khai vào đầu năm học, thời điểm đó số lượng học sinh chưa ổn định nên ảnh hưởng việc lập hồ sơ và ảnh hưởng quyền lợi của giáo viên. Ngoài ra, chưa có bất kỳ hỗ trợ nào đối với đội ngũ quản lý dù chúng tôi cũng tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ”.

Ở góc độ khác, theo bà Trần Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Thành (quận 12), toàn trường hiện có 3 giáo viên đủ điều kiện nhận hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng do đáp ứng đủ cả 2 điều kiện là có trình độ cao đẳng sư phạm và lớp học có 30% học sinh là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN. Vị hiệu trưởng này bày tỏ, giáo viên được nhận hỗ trợ hay không phụ thuộc vào tỷ lệ học sinh có cha hoặc mẹ là công nhân đang làm việc tại các KCN. Vì vậy, cùng có trình độ như nhau nhưng có người được nhận trợ cấp, có người không được nhận khiến đội ngũ giáo viên có nhiều tâm tư.

Ngoài ra, năm học 2022-2023 đã qua hết 3/4 thời gian năm học nhưng ở nhiều quận, huyện, giáo viên chưa nhận được tiền hỗ trợ của học kỳ 1. Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM), cho rằng, việc triển khai chậm nhịp so với tiến độ năm học đã làm giảm đáng kể hiệu quả xã hội của chính sách hỗ trợ. Trong đó, nhiều trường hợp giáo viên và học sinh đủ điều kiện nhận hỗ trợ trong năm học này thuộc khối Lá (mầm non 5 tuổi). Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm truy thu, đảm bảo quyền lợi cho học sinh và giáo viên do triển khai chính sách chậm trễ? Liệu rằng việc hỗ trợ có tiếp cận đúng đối tượng trong tình hình học sinh các nhóm lớp ngoài công lập thường xuyên biến động?

Theo thống kê của Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, gần 80% giáo viên mầm non ngoài công lập hiện nay chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phần lớn đội ngũ này không được nhận trợ cấp theo quy định của Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND.

Tin cùng chuyên mục