Tiếp sức để thoát nghèo

Người nghèo được tặng nhà và được hỗ trợ các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Sự giúp đỡ quý giá trên được hy vọng sẽ tiếp sức để người nghèo thoát nghèo.

Anh A Định được tặng bò, làm sinh kế vươn lên thoát nghèo
Anh A Định được tặng bò, làm sinh kế vươn lên thoát nghèo

Kon Tum là tỉnh vùng núi, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thoát nghèo bền vững, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

Trong đó, Tỉnh ủy Kon Tum phân công 58 cơ quan, đơn vị là các sở, ban, ngành và doanh nghiệp cấp tỉnh phụ trách giúp đỡ 57 thôn làng thuộc 8 xã Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đăk Glei); Măng Bút, Hiếu, Đăk Nên (huyện Kon Plông); Đăk Tơ Kan, Đăk Na, Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông).

Thời gian giúp đỡ là hai năm 2024-2025. Chính sách hỗ trợ nói trên đã “tiếp sức” để người dân vươn lên thoát nghèo.

Đến nhà anh A Định (thôn Kon Hia 1, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông), chúng tôi thấy anh đang dẫn 2 con bò đi ăn cỏ. Bò được chăm sóc kỹ nên béo tốt. “Gia đình thuộc hộ nghèo, làm nông với thu nhập bấp bênh. Mấy tháng trước, được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng 2 con bò để nuôi, gia đình chúng tôi rất mừng vì đây là sinh kế có giá trị lớn. Gia đình sẽ chăm sóc để bò sớm đẻ, nhân rộng đàn, hy vọng sớm thoát nghèo nhờ số bò này”, anh A Định nói.

Nhà ông A Lá (thôn Kon Hia 1) được xây từ tháng 5, hiện đã đưa vào sử dụng. Căn nhà khang trang, gồm phòng ngủ, bếp, là nơi an cư mới của gia đình. Để xây dựng căn nhà trên, gia đình ông được sự hỗ trợ một phần của Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum.

“Gia đình tôi sống trong căn nhà lụp xụp, mỗi lần mưa gió là nước tạt vào, rất khổ. Vừa rồi được hỗ trợ tiền, tôi bỏ thêm ít chi phí để xây dựng nhà mới”, ông A Lá chia sẻ.

Theo ông A Ngùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Rông, 6 thôn của xã nằm trong danh sách được hỗ trợ để thoát nghèo bền vững. Đến nay, các đơn vị đã hỗ trợ cho 4 thôn với nhiều chương trình thiết thực. Riêng 2 thôn còn lại, các đơn vị đã có kế hoạch hỗ cây giống, bò để sản xuất, chăn nuôi.

Theo Huyện ủy Tu Mơ Rông, trên địa bàn huyện có 19 thôn của 3 xã nằm trong danh sách được hỗ trợ. Đến nay, các đơn vị đã hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi bò, heo giống; hỗ trợ giống mắc ca, cà phê, cây cao su; hỗ trợ và khắc phục nguồn nước sinh hoạt….

Ông Ka Ba Thành, Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông, thông tin, trước khi hỗ trợ, các đơn vị đã phối hợp cùng địa phương khảo sát nhu cầu của người dân. Các mô hình hỗ trợ đã giúp ích rất lớn cho người dân trong việc ổn định chỗ ở, trao sinh kế mưu sinh. Sự hỗ trợ này sẽ trở thành bệ đỡ, giúp người nghèo thoát nghèo trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục