Thấp thỏm sợ lỗ
Trang trại heo của gia đình anh Vũ Văn Vĩnh (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vừa nuôi cả heo nái và heo thịt. Từ đầu năm 2022, giá cám liên tục tăng khiến anh Vĩnh lo lắng.
“Hồi đầu năm, giá heo hơi xuống còn 45.000 đồng/kg, hiện đang dao động ở mức 57.000-60.000 đồng/kg, trong khi cám cho heo giá 350.000 đồng/bao. Mỗi con heo hơi phải nuôi khoảng 6 tháng, bán ra với giá 5,7-6 triệu đồng/con, tốn khoảng 5,2 triệu đồng tiền cám, chưa kể chi phí thuê nhân công”, anh Vĩnh cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Long (ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không dám tăng đàn lứa heo tết như mọi năm, mà chỉ cầm chừng ở mức khoảng 50 con (những năm trước là hơn 200 con). Tính sơ bộ, chi phí thức ăn nuôi heo đến lúc xuất chuồng đã tăng khoảng 1,2-1,6 triệu đồng/con so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
“Với giá heo hơi hiện nay và chi phí chăn nuôi ở mức cao thì thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Nhìn chung, tâm lý của người chăn nuôi heo về việc tái đàn khá dè dặt”, ông Long băn khoăn.
Ghi nhận tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, chuỗi cửa hàng tiện ích tại TP Biên Hòa, hiện các chủ cơ sở đang lên kế hoạch tập trung nguồn lực tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm giảm giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm, bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.
Tuy nhiên, hiện giá heo hơi đang có chiều hướng giảm. Anh Khánh (tiểu thương bán thịt heo ở chợ Biên Hòa), cho biết, giá heo chỉ nhích lên chút đỉnh rồi tụt xuống, giá cám tăng liên tục nên người chăn nuôi chật vật đủ đường, khó tái đàn.
Anh Trịnh Đình Xuân (ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ), từng là chủ trang trại heo hơn 20 con heo nái, 500 con heo thịt, đang ngao ngán vì tiền bán heo không bù được tiền mua cám, gia đình anh chỉ duy trì 25 con heo thịt để bán dịp tết, bù lại chi phí.
Không mặn mà tái đàn
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, do giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao. Với các hộ nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá thành heo hơi hiện nay đang trên đà giảm mạnh, người chăn nuôi nhỏ lẻ lại lo thua lỗ nên hầu như không mặn mà tái đàn cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho thấy, hiện giá ngô, dầu đậu, cám gạo đang có xu hướng giảm so với tháng 8-2022, nhưng vẫn cao hơn 2,5%-11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phụ thuộc con giống từ các doanh nghiệp nên phải mua với giá cao, giá bán thường thấp hơn giá các trang trại chăn nuôi từ 1-2 giá. Đồng thời, người chăn nuôi chưa chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh, con giống và năng lực quản lý nên giá thành sản xuất cao hơn các trang trại, khó cạnh tranh trên thị trường.
Theo các chuyên gia, hiện người chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ đang gặp nhiều bất lợi so với các doanh nghiệp lớn ngay ở trong nước. Về nguồn vốn, các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn có tiềm lực tài chính mạnh, nhất là các công ty nước ngoài nên không chịu áp lực về lãi vay.
Mặt khác, các doanh nghiệp với công nghệ chăn nuôi tiên tiến, heo nái có thể đẻ tới 28 heo con mỗi lứa; trong khi đó, các trang trại nhỏ lẻ chỉ ngấp nghé ở mức 9-12 con. Do vậy, để “tiếp sức” cho trang trại chăn nuôi heo nhỏ lẻ, cần có cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, tạo chuỗi liên kết chăn nuôi và tiến hành cập nhật, chuyển giao công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất của đàn heo.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, việc tăng năng suất sinh nở ở đàn heo nái là rất cần thiết, bởi nó vừa giảm chi phí thức ăn, lại phần nào giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Ông LÊ XUÂN HUY, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam: |