Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2024); hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10,
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngành in được xem là một ngành công nghiệp phụ trợ. Tính đến nay, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn bao bì, in xuất bản phẩm, các sản phẩm in khác trên địa bàn thành phố ổn định với khoảng 1.300 doanh nghiệp, chiếm gần 2/3 doanh nghiệp hoạt động in của cả nước.
Ngành in là một trong những ngành có khả năng tận dụng thành tựu phát triển khoa học, công nghệ của thế giới để phát triển, và có đầy đủ các yếu tố bắt kịp nhanh với xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số, mang lại giá trị cao cho kinh tế thành phố và khu vực.
Thời gian qua, ngành công nghiệp in và bao bì Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã và đang phát triển chủ yếu theo hướng phục vụ thị trường nội địa, đáp ứng hầu hết nhu cầu in trong nước và bước đầu tiếp cận thị trường thế giới, nhận in gia công cho nước ngoài với chất lượng kỹ thuật in đa dạng, phức tạp ở trình độ cao.
Hội thảo chuyên đề “Khung năng lực số ngành in” có thể xem như một sự “tiếp sức” cho ngành in của thành phố. Qua đó, đẩy mạnh hoạt động của ngành in thành phố gắn với chương trình Chuyển đổi số của TPHCM có chuyển biến rõ nét, hiệu quả, đồng thời để các doanh nghiệp tiếp tục tham gia sâu rộng, phát triển tập trung và có những đóng góp giá trị cho kinh tế thành phố.
Song song đó, giải quyết bài toán về môi trường, giảm thiểu các chất thải ra môi trường xung quanh, cân bằng các vấn đề mà ngành in cũng như đa phần các ngành công nghiệp của thành phố đang gặp phải, tối ưu hóa chi phí sản phẩm in ra thị trường để phục vụ người dân và thúc đẩy giới thiệu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Trong phần 1 của chương trình, những người tham dự đã được nghe các chuyên gia trình bày và giới thiệu về khung năng lực số, phần mềm báo cáo trực tuyến cho doanh nghiệp in tại thành phố cũng như chia sẻ các giải pháp công nghệ ERP - yếu tố nâng cao khung năng lực số.
Ở phần 2 là những trao đổi, chia sẻ liên quan đến một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp in trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Đây được xem là “điểm tựa” đồng hành, thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp in. Tham dự có các khách mời: Đại tá Đào Trung Kiên, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM; ông Trình Mai Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM; PGS-TS Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học Công nghệ và PGS-TS Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam - Chủ tịch Hội In TPHCM.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho rằng, việc trang bị kiến thức về khung năng lực số, nền tảng cốt lõi giúp cơ sở in hòa nhập sâu kinh tế số, xã hội số để thực hiện, cụ thể hóa sự kết nối các khâu, quy trình, hệ thống quản trị doanh nghiệp, nhân lực, bảo mật thông tin và dữ liệu sẽ được điều hành, vận hành linh hoạt thông qua các phần mềm, dữ liệu đã được mã hóa, số hóa…
“Bên cạnh những “điểm tựa” là các cơ chế, chính sách, tôi tin rằng doanh nghiệp in, đặc biệt là các doanh nghiệp có mặt tại chương trình hôm nay sẽ là những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của ngành in thành phố”, ông Nguyễn Ngọc Hồi nhấn mạnh.