Tiếp sức cho giáo dục đặc biệt

Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đặc biệt do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức mới đây, số liệu thống kê cho thấy số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục công lập ngày càng tăng.

Năm học 2023-2024, toàn thành phố có 907 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT tiếp nhận các em học hòa nhập, với tổng số 10.441 học sinh. Trong đó, số lượng trường tiểu học thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập chiếm tỷ lệ nhiều nhất - với 482 trường, 4.911 học sinh.

Nếu chia theo dạng tật, trong tổng số 10.441 học sinh học hòa nhập, học sinh khuyết tật về trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn nhất - với 7.996 em (tỷ lệ 76,58%). Bên cạnh khuyết tật về trí tuệ, học sinh hòa nhập còn có dạng tật khác về nhìn, nghe, nói, vận động, thần kinh, tâm thần... Đối tượng học sinh học hòa nhập đa dạng, tạo thêm áp lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường công lập do không được đào tạo bài bản về giáo dục đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), do nhân sự không đủ nên các trường phải phân công nhân sự kiêm nhiệm, choàng gánh công việc, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Để thu hút thêm nguồn tuyển giáo viên, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất bổ sung công việc chăm sóc và giáo dục người khuyết tật tại cơ sở giáo dục vào danh sách “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại” để tăng chế độ, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Trong năm học 2024-2025, ngành giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên dạy học sinh hòa nhập ở các trường phổ thông, đồng thời tăng cường các buổi họp giao ban chuyên môn định kỳ để kịp thời nắm bắt tình hình giảng dạy của các đơn vị, từ đó có chỉ đạo sát sao, giải pháp kịp thời, phù hợp thực tế.

Tuy nhiên, nỗ lực từ phía ngành giáo dục thôi chưa đủ mà còn cần sự chung tay của cả xã hội, trong đó có việc tăng cường các chính sách xã hội hóa, đẩy mạnh vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra môi trường giáo dục tích cực, giúp học sinh khuyết tật có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, hoàn thiện khả năng tự phục vụ và trở thành người có ích cho cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục