Hiệu quả bước đầu
Tại Khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình), Công ty Khí ga Ninh Bình đã thực hiện dự án sản xuất CO2 hóa lỏng sử dụng nguyên liệu đầu vào từ nguồn khí thải của Nhà máy Đạm Ninh Bình. Dự án đã hoạt động 3 năm, với công suất 6.000m³ CO2/giờ, giúp giảm trên 74.000 tấn khí thải ra môi trường mỗi năm và dự kiến công suất sẽ được nâng lên 12.000m³ CO2/giờ vào tháng 8-2024. Đây là một trong những ví dụ điển hình của CSCN ở Việt Nam hiện nay.
Nghị định 35/2022 quy định CSCN là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc trong các KCN khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Nguyễn Trâm Anh, Quản lý kỹ thuật quốc gia Ban Quản lý Dự án triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam, hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu, CSCN là một hình thức sáng tạo để tăng năng suất sử dụng tài nguyên và là một trong những cách tiếp cận để hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến đạt được tăng trưởng xanh.
Bà Trâm Anh nêu ví dụ về CSCN là Công ty Bridgestone Việt Nam cho một công ty năng lượng xanh thuê mái nhà để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại KCN Deep C (Hải Phòng). Với 80% diện tích mái nhà xưởng được lắp đặt, cho sản lượng 14.321 MWh/năm, đáp ứng được cơ bản nhu cầu của công ty và còn cung cấp được cho một số công ty khác trong KCN.
Hay tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), khí biogas mà công ty bia thải ra trở thành nhiên liệu cho nồi hơi của công ty dịch vụ năng lượng; ở KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ) có mô hình sử dụng chung lò hơi của 3 công ty. Ba công ty nằm gần nhau và đều có lò hơi cỡ nhỏ hoạt động độc lập nên hiệu suất thấp, khi liên kết cùng nhau thì thay thế lò hơi mới 21 tấn, thời gian hoàn vốn là 3 năm.
Tại KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), chủ đầu tư cho biết, những năm qua đã hình thành và phát triển chuỗi cộng sinh năng lượng xanh và tiết kiệm tài nguyên. Tại đây, phế liệu của ngành thép là xỉ thép được xử lý thành vật liệu san lấp đạt chuẩn. Nhựa tái chế thành hạt nhựa và tạo nhựa thành phẩm như đồ gia dụng, lạt buộc, bao bì. Phế liệu được sản xuất trở thành các sản phẩm phụ trợ, linh kiện ngành điện… Tương tự, ở KCN Hiệp Phước (TPHCM) cũng có nhiều mô hình CSCN mang lại hiệu quả cao.
Gỡ vướng về chính sách
Ông Christian Susan, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), cho rằng, các KCN với nhiều doanh nghiệp tập trung chính là nền tảng lý tưởng cho việc thúc đẩy CSCN. Các doanh nghiệp hợp lực, giúp giảm nhu cầu sử dụng tài nguyên, thúc đẩy tính tuần hoàn của kinh tế.
Ông Christian Susan dẫn nhiều ví dụ về thực hành tốt CSCN quốc tế, như biến chất thải lò mổ thành thức ăn chăn nuôi tại Peru, hay dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để biến khí thải CO2 từ ngành thực phẩm thành baking soda tại Nam Phi… Theo ông Christian Susan, Việt Nam cũng có tiềm năng không nhỏ để thực hiện những mô hình tương tự.
Chuyên gia hóa chất và môi trường Nguyễn Thị Kim Liên cũng đánh giá tiềm năng CSCN ở các KCN Việt Nam là rất lớn. Hiện cả nước có 412 KCN đã được thành lập, trong đó 293 KCN đã đi vào hoạt động. Qua khảo sát, có thể thấy mức độ sẵn sàng để thực hiện CSCN và kinh tế tuần hoàn của các bên dần nâng cao. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhìn nhận, pháp lý, chính sách đang là rào cản lớn cho CSCN.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Kim Liên, trong tổng thể, chính sách hiện nay thiếu khuyến khích về tài chính và kinh tế cho doanh nghiệp thực hiện CSCN năng lượng tái tạo; thủ tục đầu tư dự án năng lượng tái tạo còn phức tạp, thiếu chính sách hỗ trợ… Đặc biệt, trong lĩnh vực tái sử dụng và tái chế chất thải, chính sách cũng chưa đủ mạnh để phát triển thị trường sản phẩm tái chế.
Về việc này, một số doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khi muốn đưa “chất thải” ra bên ngoài công ty để cung cấp cho đơn vị khác, bởi quy định là chất thải phải được xử lý trước khi đưa ra ngoài. Ngoài ra, nếu muốn tái sử dụng nước thải sau xử lý, hiện cũng chưa có hướng dẫn và quy chuẩn kỹ thuật để dùng nước này cho tưới cây và làm nước đầu vào cho doanh nghiệp...
Các chuyên gia cho rằng, CSCN là yêu cầu đối với KCN sinh thái, là phần không thể tách rời của các mô hình kinh tế tuần hoàn. Do vậy rất cần hoàn thiện chính sách để thúc đẩy CSCN trong thời gian tới.
Các hình thức CSCN
* Cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng: Sử dụng chung hạ tầng và tiện ích, chủ yếu trong lĩnh vực nước và năng lượng.
* Cộng sinh phụ phẩm và trao đổi chất thải: Chất thải của công ty này là đầu vào của công ty khác.
* Cộng sinh dịch vụ: Chia sẻ các dịch vụ và hoạt động giữa các công ty và trong KCN (cùng đào tạo nhân viên hoặc cùng sử dụng một nhà thầu bảo dưỡng…).
* Cộng sinh nguồn cung và các nhà cung ứng và khách hàng được sắp đặt cùng vị trí: Sắp đặt ở cùng vị trí hay sắp xếp cụm các công ty theo chuỗi cung ứng và giá trị.
* CSCN - đô thị: doanh nghiệp và đô thị liên kết thu gom, xử lý và tái sử dụng nguyên vật liệu, chất thải rắn, năng lượng và nước.
TPHCM: Chuyển động xanh trong các KCN
Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN- KCX), TPHCM đã sớm nhận ra yêu cầu tất yếu của việc chuyển đổi xanh. Thành phố nghiên cứu và nhận thấy các KCN-KCX trên địa bàn đã bước sang giai đoạn hậu công nghiệp và đang bước đầu chuyển tiếp sang giai đoạn phát triển cao hơn - giai đoạn đổi mới sáng tạo.
Đây là giai đoạn thách thức cho các doanh nghiệp trong KCN-KCX của TPHCM. Nếu không đổi mới công nghệ, đầu tư cho các yếu tố phát triển bền vững thì việc chuyển đổi sẽ rất chậm, hiệu quả kinh tế kém và sự phát triển công nghiệp sẽ chững lại trong 10-20 năm tới.
Từ đó, TPHCM đã đúc kết mô hình thích hợp dài hạn và bền vững cho giai đoạn hậu công nghiệp của các KCN-KCX là mô hình KCN sinh thái. Tất cả các KCN- KCX hiện hữu tại TPHCM nếu muốn tiếp tục tồn tại, duy trì phải có lộ trình từng bước tiệm cận với KCN sinh thái.
Theo ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), sự dịch chuyển trong các KCN-KCX tại TPHCM theo hướng xanh, số, tuần hoàn đã diễn ra từ sớm. Từ năm 2004, các KCN-KCX đã tập trung thu hút 4 ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó đã cân nhắc nhiều hơn đến yếu tố “xanh”. Nếu như ban đầu là các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, lao động như dệt may, da giày, cơ khí, nhựa… thì càng về sau đã tập trung vào các ngành công nghệ cao như chip, sản xuất pin năng lượng mặt trời, các ngành phần mềm, công nghệ thông tin…
Điển hình, KCX Tân Thuận (quận 7) hiện có 3 doanh nghiệp chuyên về thiết kế chip, quy tụ được nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin như VNG, VNPT, FPT… với nhiều trung tâm dữ liệu. Hay từ năm 2020, KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) tham gia vào dự án triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam do UNIDO và Bộ KH-ĐT phối hợp thực hiện.
Khi đó, KCN này mới đáp ứng được 44% tiêu chí của KCN sinh thái theo chuẩn quốc tế. Dù trình độ quản lý KCN Hiệp Phước khi đó ở mức khá cao, nhưng hiệu quả kinh tế chỉ ở mức trung bình, việc quản lý môi trường và hiệu quả xã hội còn nhiều hạn chế. Đến nay, theo đánh giá của UNIDO, KCN này đã đạt 76% tiêu chí.
Tuy vậy, các bước chuyển động xanh ở các KCN tại TPHCM vẫn chưa như kỳ vọng. Hướng đến mục tiêu chuyển dịch xanh nhanh chóng hơn, đề án định hướng phát triển các KCN-KCX TPHCM giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra giải pháp tái cơ cấu các KCN-KCX hiện hữu.
Đồng thời, xây dựng các KCN mới theo hướng chuyên ngành, như dược, công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí chế tạo, lương thực thực phẩm… gắn với các yếu tố xanh, số, tiếp cận các tiêu chí KCN sinh thái. UBND TPHCM đã giao Hepza cùng Viện Nghiên cứu phát triển từ nay đến 2025 xây dựng đề án chi tiết chuyển đổi 5 KCN-KCX trong khu vực nội thành, gồm KCX Tân Thuận và các KCN Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu làm cơ sở chuyển đổi các KCN tiếp theo.