Chuyển chung cư thành bệnh viện
Các lô chung cư R1, R2, R3 thuộc khu tái định cư phường An Khánh (TP Thủ Đức) vừa được TPHCM trưng dụng thành Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6, 7, 8, 9, với quy mô hơn 18.000 giường. Tại khu vực Bệnh viện dã chiến số 6, hàng chục nhân viên y tế, quân đội, dân quân tự vệ được điều động khẩn trương triển khai các công tác cải tạo, sửa chữa, dọn dẹp để chuyển công năng chung cư thành nơi điều trị. Hàng chục chuyến xe tải chở các vật tư như khẩu trang, nước khử khuẩn, đồ bảo hộ, máy đo thân nhiệt, máy thở ôxy, thiết bị y tế… liên tục ra vào để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm các hạng mục. Nhân viên nhà mạng cũng tốc lực lắp đặt hệ thống đường truyền Internet trong bệnh viện. Đường ống dẫn nước, điện, nơi nghỉ ngơi cho lực lượng dân quân tự vệ cũng đang được gấp rút hoàn thiện.
khử khuẩn bao bì đựng cơm trước khi chuyển lên cho người điều trị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trước đó, khu tái định cư thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng đã được chuyển thành bệnh viện dã chiến. Hàng trăm nhân viên y tế đang căng mình ngày đêm để chăm sóc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, có người đã hơn 3 tuần nay chưa về thăm nhà. Vốn dĩ khu tái định cư nhiều năm không sử dụng, nay chuyển thành bệnh viện nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu thốn. Nhưng bằng sự quyết tâm của các cấp, bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận hơn 1.800 người bệnh. “Chúng tôi được điều động từ các bệnh viện trong thành phố đến đây với một phương châm duy nhất là cứu sống người bệnh, ngăn chặn dịch. Trong quá trình đó, không ai nề hà gian khó cả”, một bác sĩ của bệnh viện tâm sự.
Cần được tiếp sức
Không chỉ “gồng mình” chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, các y bác sĩ, bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến hiện vẫn đang thiếu thốn trăm bề, từ điện, nước sinh hoạt, trang thiết bị, thuốc men đến nhân lực. Khu chung cư tại Bệnh viện dã chiến số 4 (Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) không có thang máy nên có lúc y bác sĩ phải cõng bệnh nhân lớn tuổi lên các tầng cao. Giường bệnh tại các bệnh viện cũng chưa đủ nên người bệnh lẫn nhân viên y tế phải sử dụng ghế bố để điều trị và nằm nghỉ ngơi.
Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng của dịch Covid-19, việc phải mở rộng các bệnh viện dã chiến là chẳng đặng đừng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các bệnh viện dã chiến đang “gồng mình” ngày đêm trong sự thiếu thốn, quá tải. Do vậy, ngoài ngành y tế, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc của các ngành, các đơn vị, đặc biệt là thêm sự tiếp sức từ lực lượng công an, quân đội và sự chung tay của toàn xã hội, sàng lọc ca bệnh kỹ càng trước khi chuyển về bệnh viện dã chiến, khắc phục nhanh chóng những hạn chế về cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị như giường, nệm, vật tư tiêu hao… Mặt khác, Bộ Y tế cần có chỉ đạo bổ sung nhân viên y tế cho các bệnh viện dã chiến, huy động hệ thống y tế tư nhân vào cuộc. Và hơn hết là ý thức của người bệnh, cần nghiêm túc phòng chống dịch, có thái độ và tinh thần hợp tác khi được chuyển đến bệnh viện.
Tính đến nay, ngoài 19 bệnh viện dã chiến đã và đang chuẩn bị hoạt động, TPHCM đang thiết lập thêm 5 bệnh viện nữa. Cả 24 bệnh viện này có công suất 44.890 giường. Trước áp lực về lượng bệnh nhân mắc Covid-19 gia tăng, việc triển khai một loạt bệnh viện dã chiến mới sẽ tăng tính chủ động của TPHCM đối với giai đoạn mang tính quyết định của cuộc chiến chống dịch Covid-19. |