Báo SGGP xin giới thiệu bài viết của PGS-TS NGUYỄN QUỐC DŨNG (ảnh), Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, về quá trình hình thành và phát triển của trường.
1. Giữa năm tháng khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ở vùng đất phương Nam, một ngôi trường đặc biệt - “cái nôi” đào tạo cán bộ cách mạng được ra đời theo quyết định của Xứ ủy Nam bộ - Trường Đảng miền Nam với tên gọi Trường Trường Chinh. Trường khai giảng khóa I (tháng 9-1949) tại ấp Ngang Dừa, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), thực hiện sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo chủ chốt của khu ủy, tỉnh ủy, quân đội, đoàn thể các cấp cho Nam bộ, trang bị cho cán bộ những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng…
Giai đoạn 1949-1954, Trường Đảng miền Nam, dưới sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam bộ, đã đào tạo 2.000 cán bộ chủ chốt trong các ban, ngành thuộc Trung ương Cục, các khu ủy, tỉnh ủy, cán bộ quân sự trong khu vực Nam bộ và Cực Nam Trung bộ (1), trở thành những hạt nhân lãnh đạo, đóng góp quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Bước sang thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trước yêu cầu của cách mạng miền Nam, tháng 10-1961, Trung ương Cục miền Nam quyết định tái lập Trường Đảng miền Nam, lấy tên là Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam.
Từ năm 1961 đến năm 1975, trường đã trở thành “cái nôi” đào tạo hơn 1.200 cán bộ cốt cán (2) cấp tỉnh ủy, khu ủy, lực lượng vũ trang từ tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào các tỉnh cực Nam của Tổ quốc và các ban, ngành thuộc Trung ương Cục miền Nam, để viết tiếp trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 231-CT/TW ngày 13-7-1976 “Về công tác giáo dục lý luận chính trị ở miền Nam trong giai đoạn mới của cách mạng”, với nhiệm vụ trọng tâm nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng để bổ sung cho các ngành, các cấp.
Từ năm 1976 đến năm 1990, hệ thống các Trường Nguyễn Ái Quốc ở miền Nam được xây dựng(3), thực hiện trọng trách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý am hiểu về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thực hiện Quyết định số 103/QĐ-TW ngày 1-3-1990 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về việc sắp xếp lại hệ thống các trường Đảng Trung ương, ở khu vực phía Nam, Trường Nguyễn Ái Quốc II, Trường Nguyễn Ái Quốc VII, Trường Tuyên huấn Trung ương II, Trường Tổ chức Kiểm tra Trung ương II được hợp nhất lấy tên là Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực II, đặt tại xã Hiệp Phú, huyện Thủ Đức, TPHCM (nay là phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM).
Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực II thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp huyện và đảng ủy một số cơ sở kinh tế quốc doanh; bồi dưỡng theo chuyên ngành cho cán bộ làm công tác xây dựng Đảng của huyện ủy, tỉnh ủy, cán bộ tổ chức của ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Trung ương.
Ngày 10-3-1993, Bộ Chính trị (khóa VII) ra Quyết định số 61-QĐ/TW “Về việc sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, theo đó, Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực II đổi tên thành Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh. Qua các lần đổi tên, đến nay, Trường Đảng miền Nam có tên gọi Học viện Chính trị khu vực II, là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Trường Đảng miền Nam ra đời, trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam, phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, thực hiện trọng trách được Đảng và Nhà nước giao: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn các tỉnh, thành phố ở vùng Đông Nam bộ và một số địa phương theo phân công của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị.
Qua 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị khu vực II đã khẳng định uy tín trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có sức ảnh hưởng ở vùng Nam bộ. Truyền thống vẻ vang 75 năm Trường Đảng miền Nam - Học viện Chính trị khu vực II, nhất là giai đoạn 2019-2024, thể hiện dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực.
Thứ nhất, là ngôi trường đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý hàng đầu ở khu vực phía Nam
Thấm nhuần và khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp” (4) và “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (5), trong những năm qua, Học viện Chính trị khu vực II đã thực hiện tốt trọng trách vẻ vang trước Đảng, Nhà nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Số lượng, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị khu vực II ngày càng được nâng lên, vừa bảo đảm tính thống nhất, hệ thống, vừa gắn với đặc thù của vùng Nam bộ theo phương châm “người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”.
Từ năm 2019 đến năm 2024, Học viện Chính trị khu vực II đã đào tạo được 11.681 học viên cao cấp lý luận chính trị, 356 cử nhân chính trị; phối hợp tuyển sinh và đào tạo 335 học viên trình độ thạc sĩ (6).
Học viện Chính trị khu vực II cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Học viện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có 2.374 học viên là trưởng, phó các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện và tương đương; 10.415 học viên các lớp bồi dưỡng công tác tổ chức xây dựng Đảng, cán bộ nguồn quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện,…
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua càng khẳng định Học viện Chính trị khu vực II là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có uy tín hàng đầu ở khu vực phía Nam.
Thứ hai, là trung tâm uy tín về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, tư vấn chính sách
Thời gian qua, Học viện Chính trị khu vực II đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học, thể hiện ở số lượng, chất lượng, quy mô và phạm vi hoạt động. Học viện Chính trị khu vực II đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài khoa học các cấp, trong đó có 4 đề tài cấp nhà nước; tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế có quy mô lớn, thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín, thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước.
Các đề tài khoa học đều có tính cấp thiết về lý luận và thực tiễn, được chắt lọc thành các báo cáo kiến nghị góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở vùng Nam bộ.
Phạm vi hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị khu vực II ngày càng được mở rộng ở khắp các địa phương vùng Nam bộ. Các sản phẩm khoa học của Học viện Chính trị khu vực II ngày càng đa dạng, với hàng trăm bài tạp chí, trong đó có nhiều bài tạp chí quốc tế, hàng chục cuốn sách chuyên khảo, tham khảo,…
Thứ ba, luôn tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Học viện Chính trị khu vực II là nơi kết tinh tri thức khoa học lý luận chính trị, tập trung đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định… Thời gian qua, Học viện Chính trị khu vực II có nhiều đổi mới, sáng tạo, giữ vững “thế trận” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các hội thi thuyết trình sách, ký kết với các địa phương, đơn vị, tổ chức chương trình truyền hình đều gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cán bộ, viên chức, học viên tích cực tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Các hoạt động của cán bộ, viên chức, học viên Học viện Chính trị khu vực II thời gian qua đã tạo thành một “thế trận” vững chắc trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là “lá chắn” để chống mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ở khu vực phía Nam.
Thứ tư, là nơi lan tỏa, chia sẻ những nét đẹp, giá trị văn hóa trường Đảng
Nét đẹp, giá trị văn hóa trường Đảng là giá trị độc đáo, tạo nên sự khác biệt giữa trường Đảng với các cơ sở giáo dục, đào tạo khác, được hun đúc qua các thế hệ cán bộ, viên chức, gắn liền với trọng trách, sứ mệnh của trường Đảng và tư duy, hoạt động thực tiễn của cán bộ, viên chức, học viên.
Thời gian qua, các thế hệ cán bộ, viên chức, học viên Học viện Chính trị khu vực II đã “giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử” theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26-10-2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc lan tỏa, chia sẻ giá trị văn hóa trường Đảng của Học viện Chính trị khu vực II được thực hiện qua nhiều hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, qua đó, không chỉ thẩm thấu giá trị văn hóa trường Đảng trong từng hoạt động của mỗi cán bộ, viên chức mà còn lan tỏa, chia sẻ, tạo động lực, cổ vũ các thế hệ học viên tiếp tục cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Những dấu ấn nổi bật của Học viện Chính trị khu vực II thời gian qua là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có sự quan tâm thường xuyên, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự phối hợp chặt chẽ của Học viện Chính trị khu vực II với các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các địa phương, đơn vị ở khu vực phía Nam, sự chủ động, tâm huyết, trách nhiệm, gương mẫu của Đảng ủy, Ban Giám đốc và đội ngũ cán bộ, viên chức, học viên Học viện Chính trị khu vực II qua các thời kỳ.
75 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị khu vực II đã đóng góp to lớn vào thành tựu chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung, được tặng thưởng danh hiệu cao quý Huân chương Lao động hạng nhất. Đây là nền tảng vững chắc, tạo động lực để Học viện Chính trị khu vực II phấn đấu hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Học viện Chính trị khu vực II tiếp tục sứ mệnh cao cả trước Đảng và nhân dân. Viết tiếp trang sử vẻ vang truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị khu vực II quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, là nơi hội tụ tri thức, khẳng định giá trị, lan tỏa bản sắc văn hóa trường Đảng trong khu vực và cả nước.
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh: 50 năm Trường Đảng miền Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.25
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh: 50 năm Trường Đảng miền Nam, Sđd, tr.42
3. Trường Nguyễn Ái Quốc VII - Trường Chính trị K (1976 - 1990); Trường Nguyễn Ái Quốc VIII (1976 - 1982); Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương II (1983 - 1990); Trường Nguyễn Ái Quốc IX (1976 - 1983); Trường Tuyên huấn Trung ương III (1976 - 1983); Trường Tuyên huấn Trung ương II (1983 - 1990); Trường Tổ chức Kiểm tra Trung ương II (1976 - 1990)
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 313, 280
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 309
6. Các chuyên ngành: Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; Chính sách công; Chính trị học, Xã hội học, Triết học, Văn hóa học, Quản lý kinh tế, Lịch sử Đảng, Tôn giáo học