Berlin có thể sẽ phải mất nhiều tháng để thành lập một chính phủ liên minh. Truyền thông quốc tế đang nói nhiều đến “ẩn số” kế nhiệm bà Merkel.
Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) về đầu nhưng không có gì bảo đảm Chủ tịch đảng này, ông Olaf Scholz, sẽ ngồi vào chiếc ghế thủ tướng mà bà Merkel để lại. Đảng Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) về nhì nhưng vẫn có thể điều hành chính phủ liên minh nếu đủ sức thuyết phục được đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP).
Đức hiện là đầu tàu kinh tế trong Liên minh châu Âu (EU), một đối tác quan trọng của cả Trung Quốc, Mỹ và Nga. Giới quan sát hầu hết đều nhận định, cho dù đảng SPD lên cầm quyền thì chính sách của Berlin với các đối tác quốc tế cũng sẽ tiếp tục con đường mà bà Merkel đã vạch ra.
Có nhiều yếu tố giải thích cho điều này. Thứ nhất, ông Olaf Scholz, nếu thành lập được một chính phủ liên minh và trở thành tân thủ tướng, nhiều khả năng vẫn tiếp tục con đường của người tiền nhiệm vì hiện tại ông là Phó Thủ tướng Đức và cũng là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mãn nhiệm của bà Merkel.
Thứ hai, 2 đảng truyền thống là CDU và Liên minh xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) vẫn nằm nhóm dẫn đầu cuộc bầu cử chứ không hoàn toàn bị loại hẳn khỏi cuộc đua. Đó là bằng chứng rõ nhất cho thấy, cử tri Đức không sẵn sàng dẹp bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Do vậy, liên minh chính phủ sắp tới đây sẽ là một sự tiếp nối của bà Merkel với một vài thay đổi rất nhỏ trong cách tiếp cận của chính quyền Berlin về EU, Mỹ, Trung Quốc hay Nga trong nhiệm kỳ tới.
Trong bối cảnh này, có lẽ lý do khiến công luận quốc tế quan tâm nhất là, liệu rằng người kế nhiệm bà Merkel có đủ uy tín với tất cả các quốc gia?
Theo chuyên gia người Pháp Paul Maurice, đến nay bà Merkel vẫn là nhà lãnh đạo mà từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Thủ tướng Hà Lan Mark Rutter và thậm chí là Thủ tướng Italy Mario Draghi - vốn là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung uơng châu Âu - vẫn chưa chắc đủ sức thay thế.