SEA Games 32 đang đi vào những ngày thi đấu cuối cùng sau khi nhiều môn Olympic đã kết thúc các phần thi. Cuộc tranh đua với Thái Lan ở ngôi vị nhất toàn đoàn vẫn còn nhiều gây cấn, nhưng đến lúc này, có thể nói đoàn thể thao Việt Nam đã đạt được những mục tiêu của mình nếu xét trong khuôn khổ của SEA Games.
Chẳng hạn, ở môn bơi, dù không còn “mỏ vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, nhưng số lượng HCV của bơi Việt Nam không quá sa sút, khi đạt được 7 HCV và phá 2 kỷ lục SEA Games, chỉ xếp sau đoàn Singapore - cường quốc bơi lội khu vực. Hay như môn điền kinh, cú sốc doping cùng một số gương mặt tiềm năng không thể đến Campuchia, cũng không ngăn cản được các VĐV khác thi đấu thành công. Về tổng thể, đây không phải là kỳ SEA Games như ý của điền kinh Việt Nam, nhưng xét về yếu tố hoàn cảnh, nỗ lực của các VĐV để duy trì được thành tích nhất nhì khu vực trong môn thể thao “nữ hoàng” này thì rất đáng ghi nhận.
Tấm vé vào bán kết của đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam cùng trận hòa sòng phẳng trước U22 Thái Lan cũng được xem là sự tiếp nối quan trọng. Vượt qua những nghi ngại về năng lực, các cầu thủ trẻ của HLV Troussier cho thấy “di sản” của thời HLV Park Hang-seo vẫn được gìn giữ. Đó là tinh thần thi đấu và khả năng tiến bộ trong tư duy chơi bóng. Với mục tiêu xây dựng thế hệ mới phục vụ cho giấc mơ World Cup thì những gì các tuyển thủ U22 Việt Nam đang thể hiện ở Campuchia cho thấy triển vọng sáng sủa về lâu dài. Đó vẫn là một tập thể chơi bóng giàu khao khát, dù về mặt chất lượng của từng cá nhân vẫn chưa xuất hiện những ngôi sao tầm cỡ thế hệ trước.
Tuy nhiên, có thể thấy những khoảng trống nhất định, nhất là ở các môn thể thao Olympic vốn là thước đo cho nội lực thể thao của một quốc gia và phản ánh hiệu quả trong công tác đầu tư.
Vẫn lấy ví dụ ở môn bơi, không còn VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên thì các nội dung thi đấu bơi nữ chẳng có ai thay thế. Một “thần đồng” 14 tuổi Nguyễn Thúy Hiền dù từng vượt qua cả huyền thoại Nguyễn Thị Ánh Viên ở một số nội dung thi đấu nhưng với thể hình khiêm tốn thì rất khó tiến lên tầm cao trong môn thi đấu mà hình thể đóng vai trò quan trọng này. Ánh Viên đã tạo cảm hứng suốt 4 kỳ SEA Games, nhưng bơi Việt Nam vẫn chưa tìm ra thêm một nhân tố có những phẩm chất tương tự để đầu tư. Dù số HCV của bơi Việt Nam không ít, nhưng với chỉ 2 kỷ lục SEA Games được tạo ra, thì khả năng vươn đến đẳng cấp châu Á còn khó, chưa nói đến những chuẩn Olympic như của Ánh Viên.
Tương tự, ở nội dung điền kinh, HCV vẫn tập trung vào các VĐV nữ, với nhiều gương mặt quen thuộc như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh.
Trong khi tại môn thể dục dụng cụ thì lại đang có tình trạng “nam thịnh, nữ suy”. Điều này cho thấy sự phát triển của chúng ta không đồng đều, tính dàn trải vẫn còn, mục tiêu đoạt nhiều huy chương vẫn là chủ đạo khi các thông số thi đấu không quá nổi bật, chưa kể tiến trình trẻ hóa cũng chưa được như kỳ vọng.
Tất nhiên, cũng phải nhắc đến yếu tố khách quan, đó là SEA Games 32 chỉ diễn ra ngay sau kỳ đại hội trước đúng 1 năm, khoảng thời gian “an toàn” để bảo đảm yếu tố thành tích, nhưng chắc chắn là không đủ để các nhà quản lý thể thao Việt Nam mạo hiểm trình làng thế hệ kế cận, ngoại trừ trường hợp “bất khả kháng” do quy định độ tuổi ở môn bóng đá nam.
Vì vậy, để đánh giá sự thành công của SEA Games 32 đối với đoàn thể thao Việt Nam cần một độ trễ thời gian, nhưng điều đáng quý là xét ở một quá trình dài, trong 5 kỳ SEA Games gần nhất, thể thao Việt Nam vẫn giữ được “lửa” truyền thống, cải thiện dần những điểm yếu ở từng bộ môn, phát triển đều các nội dung thi đấu, ít phụ thuộc nhiều vào các “mỏ vàng” mang tính cá nhân. Trên cơ sở đó, chúng ta cũng sẽ dễ hoạch định chiến lược đầu tư trọng điểm hơn về sau.