Đề cập đến những động lực tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cũng cho rằng, nền kinh tế hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng GDP 7,4%-7,6% trong quý 3 và quý 4, cả năm có thể đạt mức 7%. Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Việt Nam đang có nhiều yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng: xu hướng khả quan của kinh tế khu vực và thế giới; xuất khẩu phục hồi..., đặc biệt là những cải cách mạnh mẽ về thể chế cộng hưởng với nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng băn khoăn về sự chùng xuống của đầu tư công - vốn được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng, gần đây giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ, cả về số tương đối và tuyệt đối. Trong khi chi đầu tư của Chính phủ cũng “không mở rộng mãi được” vì còn các cân đối khác!
Trong bối cảnh đó, đầu tư tư nhân với cộng đồng gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, được đặt nhiều kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng có thể tạo sức bật đáng kể. “Phải tăng tốc đầu tư từ bây giờ thì mới phát huy được hiệu quả trong vài năm tới”, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh. Nhưng làm thế nào để tiếp “nhiên liệu” cho động lực đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp? Vẫn biết để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thì cần có thể chế tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, chi phí tuân thủ thấp, có tính tiên liệu cao, nhưng việc hỗ trợ diện rộng cho các doanh nghiệp là không phù hợp nguyên tắc thị trường, ít nhiều tạo ra tâm lý ỷ lại.
Việc hỗ trợ giảm, giãn thuế giá trị gia tăng cũng chỉ “gói gọn” trong năm 2024. Sau đó, việc hỗ trợ thuế nên hướng tới nhóm đối tượng hẹp hơn, chẳng hạn như giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ và một số nhóm doanh nghiệp tiên phong về công nghệ mới, công nghệ xanh... Cùng với đó, cần kích cầu tiêu dùng trong nước (gián tiếp tạo ra động lực phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp) thông qua chính sách điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh… Đương nhiên, những chính sách tài khóa phải nhịp nhàng, ăn ý với chính sách tiền tệ, “thắt”, “mở” hợp lý, dành nguồn lực thỏa đáng cho an sinh xã hội.
Về phía các doanh nghiệp, cần chấp nhận một thực tế là khó khăn này qua đi, khó khăn mới sẽ lại đến, có thể dưới hình thái khác và vào bất kỳ thời điểm nào. Thị trường luôn vận động, thay đổi liên tục với các xu thế phát triển mới xuất hiện với chu kỳ ngày một ngắn lại, cạnh tranh ngày một gay gắt hơn. Do vậy, doanh nghiệp nhất định phải có sự chuẩn bị tốt về tâm thế, nguồn lực, chiến lược và kế hoạch hành động để tự tin đối diện, vượt qua các khó khăn, thách thức, gây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững.