Tiếp nhận phản ánh sai phạm của đảng viên qua 4 nguồn: Làm nghiêm túc, kết quả tích cực

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã trình Thường trực Thành ủy kế hoạch triển khai quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã trình Thường trực Thành ủy kế hoạch triển khai quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo Quy định 1374-QĐ/TU. Đây là quy định được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ký, ban hành vào đầu tháng 12-2017. 
Xử lý thông tin đúng hạn, công khai kết quả
Theo Quy định 1374, các thông tin có cơ sở từ 4 nguồn - gồm: ý kiến của cử tri; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo (của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân) và thông tin phản ánh của báo chí - phải được xem xét, giải quyết.
Quy định 1374 cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan đảng, Thường trực cấp ủy, của Ban Thường vụ cấp ủy trong việc xem xét, xử lý kịp thời, bảo đảm khách quan, chính xác; xử lý trách nhiệm phải đồng bộ, kịp thời cả về mặt Đảng, chính quyền và đoàn thể (nếu có). Trong đó, phải nêu rõ hành vi vi phạm của tập thể, cá nhân có liên quan cùng biện pháp xử lý.
Đặc biệt, đối với nguồn tin qua báo chí, Quy định 1374 yêu cầu trong 10 ngày làm việc, kể từ khi có thông tin phản ánh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cá nhân có thông tin phản ánh phải giải trình.
Tiếp nhận phản ánh sai phạm của đảng viên qua 4 nguồn: Làm nghiêm túc, kết quả tích cực ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè
Ảnh: VIỆT DŨNG
Báo cáo giải trình phải nêu nội dung vụ việc; tính chất, mức độ, tác hại; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và đề xuất phương pháp giải quyết. Kế đó, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình, văn phòng cấp ủy báo cáo, đề xuất Thường trực cấp ủy hình thức, phương thức xem xét, xử lý.
Tiếp theo, trong vòng 10 ngày làm việc, Ban Thường vụ cấp ủy quyết định chỉ đạo việc xem xét, xử lý. “Đối với các hành vi vi phạm đã rõ, trong thời gian không quá 45 ngày làm việc, Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo xem xét, kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền và đoàn thể”, Quy định 1374 nêu rõ.
Đối chiếu với thời hạn nêu trên, hiện nay một số cơ quan, đơn vị thực hiện khá tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin. Chẳng hạn, Sở GTVT đã triển khai nhiều kênh tiếp nhận thông tin, qua đường dây nóng, facebook và báo chí.
Đặc biệt, Sở GTVT còn xây dựng phần mềm tự động cập nhập định kỳ (2 giờ/lần) các thông tin trên báo chí điện tử liên quan đến đơn vị. Khi có thông tin liên quan, lập tức lãnh đạo Sở GTVT chỉ đạo xử lý, yêu cầu báo cáo kết quả với thời hạn cụ thể.
Đơn cử, vào giữa tháng 11-2017, khi báo chí phản ánh về “hụi chết” ở các bến xe buýt thì ngay trong ngày, lãnh đạo Sở GTVT họp khẩn và ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với lãnh đạo đơn vị phụ trách trực tiếp và 8 viên chức, nhân viên khác có liên quan.
Cũng theo Quy định 1374, kết quả xử lý phải được công khai thông qua hình thức đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, hoặc gửi văn bản thông báo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nâng cao trách nhiệm phục vụ dân
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết, hệ thống MTTQ các cấp của TP vẫn thường xuyên thực hiện công tác tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Các thông tin, phản ánh này được MTTQ phân loại và gửi đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên, đến đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND các cấp và các cơ quan có liên quan.
“Các ý kiến, kiến nghị này đều được các đơn vị liên quan giải quyết theo thẩm quyền và trả lời bằng văn bản”, đồng chí Tô Thị Bích Châu nhận xét.
Song việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân do MTTQ chuyển đến các sở ngành và các cơ quan liên quan còn chậm, tỷ lệ trả lời còn thấp. Trong nhiều trường hợp, Ủy ban MTTQ TP phải có văn bản đôn đốc, nhắc nhở thì mới trả lời theo quy định. Về Quy định 1374, đồng chí Tô Thị Bích Châu đánh giá đây là chủ trương quan trọng nhằm giúp hệ thống MTTQ các cấp của TP phát huy tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đặc biệt, quy định đặt ra thời hạn xử lý cùng với yêu cầu báo cáo kết quả (cho cấp ủy) và sự giám sát của Ủy ban Kiểm tra sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thông tin phản ánh, đồng thời khắc phục được những hạn chế như đã nêu trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 8 Vương Phước Hải cũng đánh giá Quy định 1374 mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp nhận, xử lý những vấn đề bức xúc nổi cộm liên quan đến dân, đặc biệt là những dư luận về thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, về tình trạng tham nhũng vặt.
“Chẳng hạn khi có dư luận về việc làm thủ tục đăng ký xe phải thông qua cò mồi, nếu không sẽ bị hành, thì các cấp ủy phải chỉ đạo hành thẩm tra, xác minh”, ông Hải dẫn chứng và cho biết thêm, sắp tới, các cấp ủy còn phải quan tâm nhiều hơn đến báo cáo giám sát của HĐND, từ phản ánh của người dân tại các kỳ tiếp xúc cử tri. Từ đó trách nhiệm của cán bộ, công chức ở cơ sở trong việc giải quyết các bức xúc của người dân sẽ được làm rõ.
“Nếu các ban thường vụ cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan liên quan thực hiện đúng, kịp thời giải quyết và giải quyết có hiệu quả thông tin phản ánh từ 4 nguồn theo Quy định 1374 sẽ mang lại kết quả tích cực. Điều này sẽ góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên”, ông Vương Phước Hải nhận xét.

Tin cùng chuyên mục