Hoạt động này nhằm tôn vinh, lưu giữ áo dài, câu chuyện của các nhà giáo và nhà hoạt động văn hóa như: nhà giáo Nguyễn Bình Minh, cựu giảng viên Trường ĐH Văn khoa, ĐH Tổng hợp TPHCM nay là ĐH KHXH&NV TPHCM; TS. Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ và Di sản văn hóa - Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên hợp quốc, hiện đang là Chủ tịch, Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; TS. Trần Đoàn Lâm, Giám đốc NXB Thế giới, Thành viên nhóm Đình Làng Việt; Nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh; Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thành, nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; vận động viên Paragames Hồng Lợi, nhà thiết kế Tường Nghĩa.
Trong lễ tiếp nhận hiện vật, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài, cho biết năm 2020 mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có ngành bảo tàng, nhưng Bảo tàng Áo Dài, vẫn kiên trì tìm đến các nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà hoạt động văn hóa để sưu tầm áo dài.
“ Hướng đến kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-10, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11, chúng tôi rất vui mừng, xúc động được giới thiệu áo dài và những câu chuyện đặc biệt. Hơn cả một loại trang phục, áo dài đã trở thành kỷ vật của mỗi người. Đằng sau tấm áo ấy là những cột mốc đáng nhớ cùng nhiều thành tựu và câu chuyện đặc biệt rất đáng trân trọng”, bà Ngọc Vân chia sẻ.
Nhà giáo Nguyễn Bình Minh là cựu học sinh của Trường THPT Marie Curie. Sau năm 1950, bà là giáo viên của Trường nữ Trung học Gia Long và là giảng viên của Trường ĐH Văn Khoa, ĐH Tổng Hợp TPHCM nay là ĐH KHXH&NV TPHCM. Bà từng là thành viên của đoàn cán bộ, nhân sĩ, trí thức Ban Trí Vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định hoạt động trong phong trào trí thức yêu nước. Năm 2012, đơn vị Ban Trí Vận được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bà còn là nhạc sĩ dương cầm, phong cầm... Nhà giáo Nguyễn Bình Minh có một tình yêu sâu đậm với những chiếc áo dài. Tất cả áo dài dùng để mặc khi đi dạy học hay đi đám cưới đều do chính tay bà may.
Nhà thơ, Nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh sinh năm 1955 tại Hà Tĩnh. Bà đã hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ ở địa phương, và đi khắp nơi để sưu tầm các làn điệu bị thất truyền, mang về phục dựng, biểu diễn mỗi khi có dịp. Bà đã dành cả cuộc đời gắn bó với những làn điệu Ví, Giặm cũng như sáng tác thơ ca. Bà đã thành lập CLB Nguyễn Du, CLB Thơ ca quận 2 TPHCM, CLB Dân ca Ví, Giặm phía Nam... có hàng trăm buổi biểu diễn trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Hồng Oanh đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian vào năm 2012, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào 2015.
Hồng Lợi sinh năm 1987 trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn ở quận 2, TPHCM. Anh bị cụt hai tay và một chân, được gia đình đưa vào Làng Hòa Bình - nơi nuôi dưỡng trẻ khuyết tật thuộc Bệnh viện Từ Dũ. Anh đã được chọn vào Đội tuyển bơi lội TPHCM tham gia Đại hội Thể dục thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2009 và đoạt 3 huy chương đồng. Năm 2010 anh đã đoạt huy chương vàng đầu tiên tại Đại hội Thể dục thể thao Người khuyết tật toàn quốc ở nội dung 400m. Đặc biệt, anh đã giành huy chương đồng môn bơi lội tại ASEAN Para Games 26 vào năm 2014.
Mặc dù khuyết tật bẩm sinh, nhưng anh đã nỗ lực để trở thành người hữu ích và thành công trên nhiều lĩnh vực, từ vận động viên bơi lội quốc gia đến diễn viên điện ảnh và người vẽ họa tiết áo dài.
Thông qua sự kiện tiếp nhận hiện vật áo dài, giao lưu các nhân vật khách mời đã khẳng định áo dài Việt Nam không đơn thuần chỉ là trang phục dân tộc mà còn là bộ trang phục đặc biệt gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân trong nhiều lĩnh vực.