Tiếp cận phương pháp tiên tiến, kiến thức ưu việt

Với phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, chương trình tiếng Anh tích hợp (TATH) đã tạo được sự hứng thú, tự tin cho hàng ngàn học sinh; thúc đẩy phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề; khả năng tư duy, nhận thức, hiểu biết… về thế giới xung quanh cho học sinh. 
Giờ học TATH của lớp 6/7 Trường THCS Phan Văn Trị luôn vui nhộn
Giờ học TATH của lớp 6/7 Trường THCS Phan Văn Trị luôn vui nhộn
Phụ huynh cũng rất yên tâm khi con mình theo học các lớp TATH, bởi quá trình học của con luôn được ghi nhận đầy đủ, cặn kẽ và đầy nhiệt huyết.

Học hết mình, chơi sáng tạo

Giờ học TATH của học sinh lớp 6/7 Trường THCS Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TPHCM) sôi nổi hẳn lên khi thầy Ben Fellow đưa ra bài tập về năng lượng. Thầy Ben hướng dẫn học sinh chia thành các nhóm, cùng nhau tạo ra chiếc tên lửa bằng giấy và sử dụng lực đẩy của bong bóng để đẩy chiếc tên lửa đi xa. Sau khi làm xong mô hình, các nhóm lần lượt thuyết trình về mô hình tên lửa và thực hành “phóng tên lửa”. 

Học sinh được học cụ thể về năng lượng, lực đẩy, vật cản của gió bằng cách vận dụng kiến thức khá thú vị như vậy nên trong suốt tiết học cả lớp luôn rộn ràng tiếng cười. Em Lê Ngô Thanh Hà, học sinh lớp 6/7, hào hứng cho biết: “Lớp học của em luôn vui như vậy đó; thầy Ben hay nghĩ ra nhiều hoạt động thực hành để học trò vận dụng kiến thức đã học vào trò chơi nên học sinh ai cũng cảm thấy thoải mái khi tiếp thu kiến thức bài học”.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3, TPHCM), mở đầu buổi học của học sinh lớp 2B, cô Jessica và 28 học sinh hòa mình trong không khí vui nhộn với bài hát thiếu nhi bằng tiếng Anh. Học sinh nhảy múa, thể hiện các động tác vui tươi theo cô giáo. Sau đó, khi chuyển sang phần học, các em rất nghiêm túc. “Hai năm học với cô Jessica, em thấy rất thích. Lớp học lúc nào cũng vui và em thích cách cô dạy kiến thức về khoa học qua những trò chơi, bài hát… Em thuộc luôn lời bài hát và nắm được kiến thức, từ vựng”, Ngô Lan Nam Phương, học sinh lớp 2B, vui vẻ cho biết.

Không chỉ riêng Trường THCS Phan Văn Trị, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, khi có mặt tại các trường tiểu học, THCS khác trên địa bàn TPHCM mới thấy được cách dạy và học khá mới mẻ, khác hẳn khi có chương trình TATH. Với phương pháp học tiên tiến, gần gũi, giáo viên bản xứ đã khơi dậy niềm yêu thích học ngoại ngữ, tăng tính sáng tạo, tìm tòi của học sinh. Nói về phương pháp dạy học, thầy Chris, giáo viên Trưởng khối Tiểu học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho biết: “Chúng tôi sử dụng rất nhiều phương pháp dạy học nhằm bảo đảm tất cả học sinh đều tham gia vào bài học và có thể theo kịp nội dung cũng như hào hứng với bài giảng. Hai phương pháp chính được áp dụng là scaffolding (phương pháp giảng dạy phân tầng kiến thức) và differentiation (phương pháp giảng dạy phân hóa học sinh theo trình độ). Phương pháp scaffolding hỗ trợ học sinh độc lập hơn trong việc học của mình. Phương pháp differentiation lấy học sinh làm trung tâm và mỗi học sinh được xem là một cá thể. Các phương pháp này cũng bao gồm việc sử dụng nhiều phương thức dạy học sinh động như sử dụng âm thanh, hình ảnh và các hoạt động vận động trong giờ học”.

Phụ huynh nắm rõ sức học của con

Với mỗi gia đình, việc cho con tiếp cận với phương pháp đào tạo tiên tiến là cả một quá trình tìm hiểu, đầu tư lâu dài. Hiểu được điều đó, ở các lớp TATH, giáo viên bản ngữ, giáo viên chủ nhiệm và trợ giảng luôn gắn kết với phụ huynh bằng nhiều cách như trao đổi trực tiếp, qua điện thoại, email… Mỗi năm học, các lớp TATH tổ chức 2 kỳ để giáo viên bản xứ trao đổi trực tiếp với từng phụ huynh về khả năng tiếp thu, phát triển, tính tình… của học sinh.

Trong buổi tiếp xúc cuối năm học, anh Lê Trung Đức (phụ huynh em Lê Đức Hiếu, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm) được gặp và chia sẻ trực tiếp với giáo viên bản xứ đang dạy cho con trai. Trong khoảng 10-15 phút, anh Đức được giáo viên nói cụ thể về kỹ năng đọc và viết, nghe và nói của Đức Hiếu. Hơn nữa, khả năng học các môn toán và khoa học cũng như thái độ học tập của con anh Đức cũng được cô giáo nhận xét, đánh giá cụ thể. 

Chia sẻ về lợi ích của việc nắm rõ sức học của con qua các buổi trao đổi trực tiếp, anh Đức nói: “Việc họp phụ huynh là cầu nối quan trọng giữa nhà trường, các thầy cô và phụ huynh để chúng tôi hiểu hơn việc học của con em mình. Đó là cách để chúng tôi phối hợp cùng thầy cô rèn luyện, giáo dục cũng như dễ điều chỉnh con hơn”.

Vừa bước ra khỏi phòng họp phụ huynh, chị Nguyễn Thị Thảo Vi (quận 1), phụ huynh em Phạm Phú Gia Khang (lớp 1/8 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm) vui vẻ cho biết, bé Gia Khang được cô giáo nhận xét khá tốt về khả năng tiếp thu và giao tiếp với giáo viên, bạn bè. “Khi họp phụ huynh, giáo viên giúp tôi biết được ở trên lớp con mình học như thế nào, tiếp thu đến đâu. Tôi cũng có thể trao đổi, hỏi kỹ giáo viên về lực học, khả năng tư duy của con mình thế nào và đặc biệt, có những điều gì trên lớp bé chưa chủ động được, cần phải điều chỉnh để về nhà tôi có thể rèn thêm cho con”.

Ngoài ra, chị Vi cho biết thêm, không chỉ có 2 kỳ gặp trao đổi chính thức với giáo viên bản xứ trong năm học mà trong quá trình học, giáo viên quản lý lớp cũng thường liên lạc qua điện thoại với chị nếu con có vấn đề gì trên lớp.

Tin cùng chuyên mục