Trong đó có khoảng một nửa là từ gói hỗ trợ lần 1 chưa giải ngân hết, 25.000-27.000 tỷ đồng có được từ tiết kiệm chi ngân sách; phần còn lại được đề nghị bổ sung thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối. Nguồn tiền để thực hiện gói chính sách - tạm gọi là gói hỗ trợ thứ 2 - là có thể thu xếp được.
Ngoài việc tiếp tục các giải pháp đang thực hiện, các chuyên gia đề xuất, có thể bổ sung một số nhóm giải pháp mới như hoàn thuế cho doanh nghiệp bằng cách cho chuyển lỗ, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong thời hạn 1 năm để kích thích tiêu dùng; phát phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Nhà nước đứng ra mua hàng thiết yếu phân phối trực tiếp cho người dân; giảm 50% tiền ký quỹ, hỗ trợ tín dụng cho một số doanh nghiệp trong lĩnh vực quan trọng quốc gia (như một số chính sách đang áp dụng cho Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam)…
Được đề nghị bình luận về đề xuất này, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận: “Trước khi quyết định có thêm những chính sách mới cần đánh giá rất toàn diện việc thực hiện gói hỗ trợ hiện nay (đã sắp hết hạn)”.
Cụ thể, vấn đề mà ông nêu ra rất đáng suy nghĩ: Tại sao cho đến nay mới chỉ giải ngân được 18,2% gói hỗ trợ đã có, nghĩa là thấp hơn rất nhiều so với dự kiến? Hầu hết đối tượng được nhận hỗ trợ lần thứ nhất là người có công, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo, nghĩa là nếu làm tốt công tác quản lý, phân loại dân cư thì việc hỗ trợ không phải là quá khó khăn. Trong khi đó, còn rất nhiều những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của dịch bệnh: khoảng 30 triệu người lao động, trong đó có gần 8 triệu lao động bị mất việc làm hầu như vẫn phải tự mình xoay xở cuộc sống.
Từ một góc tiếp cận khác, vẫn chuyên gia nêu trên cho rằng, gói hỗ trợ thứ 2, nếu Chính phủ quyết định triển khai cần phải hướng đến những ngành nghề có cơ hội “chiến thắng Covid-19”, đem lại nguồn thu cho xã hội nói chung, cho ngân sách nói riêng.
Nêu ví dụ về “ngành thắng cuộc”, chuyên gia này cho rằng ngân hàng điện tử là một lĩnh vực đang phát huy vai trò rất tốt, tạo cơ hội thúc đẩy một nền kinh tế không dùng tiền mặt. Một lĩnh vực tiềm năng khác là bất động sản công nghiệp. Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, sở hữu công nghệ hiện đại có xu hướng chuyển đổi hoặc đa dạng hóa thị trường đầu tư thì phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp để đón “sóng” đầu tư có thể là một bước đi thông minh.
Chắc chắn để thực hiện những chính sách này, chi ngân sách trong năm nay sẽ lớn; kế hoạch huy động nguồn lực như thế nào để bù đắp bội chi ngân sách, không gây ra bất ổn vĩ mô cần phải được tính toán sớm, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, có thể bằng một cơ chế đặc biệt để phù hợp với tình thế đặc biệt hiện nay mà không chờ đến kỳ họp Quốc hội tới.