Phục vụ công nhân hàng hóa thiết yếu
TPHCM hiện có 17 KCX-KCN, nên việc chạy đua đưa hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của công nhân khu vực này được nhiều doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ quan tâm.
Bên cạnh lượng hàng hóa bán cố định ở những khu chợ đêm được xây dựng gần các KCX-KCN, các nhà bán lẻ như Saigon Co.op đã thường xuyên tổ chức chuyến xe bán hàng lưu động mang theo hàng ngàn nhu yếu phẩm đưa đến phục vụ cho công nhân vào mỗi dịp lễ, tết.
Điển hình trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op đã tổ chức khoảng 250 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và các KCX-KCN.
Không riêng Saigon Co.op, các nhà sản xuất như VISSAN, Nutifood… cũng rất tích cực trong việc đưa hàng đến với công nhân vùng sâu, KCX-KCN.
Các chương trình cung ứng, quảng bá hàng Việt đã và vẫn đang được doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đa dạng, như chương trình khuyến mãi, giảm giá, tổ chức các điểm bán hàng Việt Nam lưu động và cố định cho công nhân, người lao động tại các KCX-KCN, giúp họ được tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả cạnh tranh…
Có mặt tại khu mua sắm Linh Trung Bazaar (quận Thủ Đức, TPHCM) khoảng 18 giờ mới thấy sự nhộn nhịp của khu chợ đêm này. Linh Trung Bazzar là khu chợ có tổng diện tích trên 10.000m2 nằm tại vị trí trung tâm trong các KCN Bình Chiểu, Đồng An, Sóng Thần và KCX Linh Trung 2.
Với đặc trưng không bán hàng giá quá cao, luôn ở mức bình thường đến rẻ, lại rất nhiều gian hàng, phong phú về mẫu mã, màu sắc, nên cứ về đêm khu chợ này luôn tấp nập khách mua sắm.
Theo một chủ sạp ở đây, hàng hóa bán có giá chỉ 35.000 - 200.000 đồng/sản phẩm và hầu hết là hàng của các cơ sở tư nhân, DN trong nước sản xuất.
Ước tính, khu chợ này mỗi đêm phục vụ nhu cầu mua sắm cho hàng ngàn cán bộ, công nhân viên các KCX-KCN; đặc biệt, vào cuối tuần chợ mở luôn cả ban ngày để đáp ứng nhu cầu mua sắm cho công nhân.
Chợ bắt đầu đông lên từ lúc 17 giờ, khi công nhân vừa hết giờ làm và cao điểm đón khách vào khoảng 20 giờ - 21 giờ.
Lan tỏa nhiều tỉnh thành
Không chỉ ở TPHCM, tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, hàng năm, các sở công thương đều phối hợp với các DN, nhà bán lẻ trú đóng trên địa bàn tổ chức 12 - 15 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và khu, cụm công nghiệp.
Các chương trình phiên chợ hàng Việt vừa tạo cầu nối trực tiếp giữa DN với người tiêu dùng, vừa là kênh để DN nắm bắt thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng và bán sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là nơi để người tiêu dùng tìm hiểu về chất lượng, mẫu mã, chủng loại và trực tiếp phản hồi ý kiến đến các DN.
Trong các hội chợ, hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá…
Đây là những mặt hàng được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại kèm theo, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân vùng nông thôn và công nhân các KCN.
Đơn cử, ở Bình Dương từ năm 2009 đến nay, đã tổ chức thành công với 108 phiên chợ tại các khu vực nông thôn và khu cụm công nghiệp với tổng doanh thu đạt 50,325 tỷ đồng.
Ở Đồng Nai, trong 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ban quản lý các KCN đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và DN tổ chức 154 chuyến hàng Việt phục vụ công nhân.
Bình quân mỗi chuyến hàng thu hút được 16 DN sử dụng xe chuyên dùng tham gia bán hàng; lượng khách tham quan mua sắm ước khoảng 3.000 lượt người/chuyến và doanh thu đạt 300 triệu đồng/chuyến.
Qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần nâng tầm và dần khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam tới người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt; giúp DN hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. |