Ở nhiều nơi, tỷ lệ đảng viên mới và cán bộ xuất thân từ công nhân trong Đảng bộ còn khá khiêm tốn. Lý giải vấn đề này, có người cho rằng, do nhận thức của công nhân còn hạn chế, trình độ của đa số công nhân còn thấp, công nhân mải lo kiếm sống nên chưa thiết tha vào Đảng, chưa chú ý rèn luyện để trở thành cán bộ. Tuy nhiên, nếu tự soi rọi lại, thiếu sót chính vẫn ở bản thân bộ máy, bởi vai trò của cấp ủy, chính quyền, công đoàn và các tổ chức đoàn thể còn mờ nhạt, mà trước hết là của bí thư chi bộ, người đứng đầu đơn vị - vấn đề mang tính quyết định.
Yêu cầu trước hết đặt ra là phải đổi mới cách tiếp cận để thuyết phục công nhân. Hiện nay, hình thức giáo dục, tuyên truyền vẫn nặng tính giáo điều, khô khan, chứ chưa đi sâu vào thực chất, phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh cụ thể và môi trường công tác. Lúc này, chúng ta không thể thuyết phục công nhân là phải hy sinh tự do cá nhân, đánh đổi hạnh phúc riêng tư để được đứng vào hàng ngũ Đảng. Trong thời gian dài, dường như chúng ta chỉ nghĩ rằng, chính trị tốt là con người cũng tốt và ta đặt nặng giáo dục chính trị hơn là giáo dục làm người. Không thể quên rằng trước khi trở thành người đảng viên thì họ phải xứng danh là người tốt, trung thực, yêu nước, yêu đồng bào và được trang bị đầy đủ kiến thức để làm tròn nhiệm vụ. Như vậy, giáo dục thường xuyên trong các môi trường công tác, xã hội và cả gia đình vẫn là tiền đề hình thành nhân cách sống cao đẹp, có hoài bão, có lý tưởng của lớp thanh niên công nhân. Ở cơ sở, có nhiều mô hình tiếp cận, giáo dục công nhân khá hiệu quả. Chẳng hạn có bí thư chi bộ thỉnh thoảng trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với công nhân là đối tượng Đảng để động viên, khuyến khích họ tiếp tục phấn đấu, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tháo gỡ những vướng mắc, nhất là về mặt tư tưởng. Chỉ sau thời gian ngắn, những công nhân này tiến bộ rõ rệt và được kết nạp Đảng. Chuyện tưởng nhỏ, nhưng lại tác dụng lớn trong công tác phát triển Đảng trong công nhân.
Một khó khăn khác cũng gây cản trở phát triển Đảng trong công nhân, đó là nhiều cấp ủy vẫn định kiến rằng, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà kết nạp đảng viên cho số công nhân cao tuổi, tuy có uy tín nhưng trình độ văn hóa chưa hết phổ thông trung học thì “làm sao nói và lãnh đạo người khác nghe được, nhất là quần chúng có trình độ đại học”. Tưởng có lý, song yêu cầu đặt ra là làm sao xây dựng lực lượng đảng viên làm hạt nhân chính trị nòng cốt ở cơ sở, chứ không nhất thiết đưa họ vào Đảng để làm lãnh đạo. Tất nhiên, đối với thanh niên công nhân ở độ tuổi dưới 30, cấp ủy vẫn phải yêu cầu tối thiểu trình độ văn hóa phải hết phổ thông trung học, có chuyên môn khá mới nên giới thiệu đi học các lớp đối tượng Đảng.
LÊ THÚY HẢI (Viện Công nhân - Công đoàn)