Tiếp cận chính sách hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp có tâm lý e dè

Chiều 29-7, tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 19 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều đại biểu nêu thực tế doanh nghiệp còn “ngại” khi tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Đại biểu Lương Công Tuấn nêu thực tế về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Đại biểu Lương Công Tuấn nêu thực tế về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại phiên thảo luận, ông Lương Công Tuấn, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Hải Châu nhìn nhận, “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng chính là thước đo của nền kinh tế.

Theo đại biểu Lương Công Tuấn, từ năm 2021 đến nay TP Đà Nẵng đã triển khai 38 chính sách do Trung ương ban hành và 11 nhóm chính sách của địa phương. Các chính sách này tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông lấy ví dụ chính sách hỗ trợ khuyến công của Nghị quyết 324/2020/NQ-HĐND, xúc tiến thương mại theo Quyết định 13/2016/QĐ-UBND, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo Nghị quyết 18/2016/NQ-HĐND… còn thấp hơn mức chi hỗ trợ của trung ương quy định. Điều này dẫn đến đối tượng thiếu mặn mà bởi vì không đủ sức tham gia.

"Cán bộ công chức giải quyết các chính sách phải tận tình, tránh tình trạng "xin, cho" trong giải quyết chính sách. Để giải quyết rốt ráo, công tác hậu kiểm việc thực hiện chính sách để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót", ông Tuấn lưu ý.

Tương tự, theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu thực tế các doanh nghiệp ngại tiếp cận với chính sách có nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước. Trong hiệp định Việt Nam ký kết các tổ chức quốc tế, có vấn đề khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì lại có sự kiểm soát kỹ hơn trong xuất, nhập khẩu. Công tác kiểm tra, kiểm toán của nhà nước đối với lĩnh vực, ngành nghề nhận hỗ trợ từ ngân sách cũng là điều khiến doanh nghiệp “ngại” trong tiếp cận này.

Khi triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, theo đại biểu Lê Hồng Cương, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị huyện Hòa Vang, nhiều chính sách còn nằm rời rạc, chưa được kết nối một cách tổng thể. Còn có một số chính sách hỗ trợ trùng lặp giữa Trung ương và địa phương. Các quy định về hồ sơ, thủ tục rườm rà, điều kiện để thụ hưởng chính sách còn khắt khe và có nhiều bất cập; một số hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng gây tâm lý e dè cho doanh nghiệp khi tiếp cận chính sách. Việc cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện chính sách vẫn còn khiêm tốn, không nhiều, giá trị hỗ trợ còn nhỏ nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia.

DSC09466.JPG
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng và Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn chủ trì kỳ họp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Vì vậy, ông cũng đề xuất giao Sở KH-ĐT làm đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm xâu chuỗi, kết nối và theo dõi việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương và địa phương. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa sở và các cơ quan liên quan để đảm bảo các chính sách được thực hiện một cách hiệu quả, đồng bộ.

Tin cùng chuyên mục