Hướng về Bác
Những ngày tháng 5, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM (quận 4, TPHCM) đón khách thường xuyên. Một người đàn ông mảnh khảnh, tóc đã điểm sương dạo quanh ngắm từng hàng cây, bức tượng. Thi thoảng, ông dừng lại để con trai chụp một tấm hình.
Anh Đỗ Đắc Phước làm việc ở quận 7 đưa cha đi khám bệnh xong, nơi đầu tiên cha anh muốn đi thăm ở thành phố này chính là “nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”. Cha anh - ông Đỗ Thanh Dũng (63 tuổi), lần đầu tiên từ Bình Định vào đến TPHCM. Gặp bức tượng, tranh ảnh nào ông lại lôi từ túi áo sơmi ra cặp kính lão để đọc từng chữ.
Ông Dũng đang loay hoay giữa những phòng trưng bày thì một chị hướng dẫn viên cất tiếng chào và bắt đầu giới thiệu cho đoàn mới đến về Bến Nhà Rồng, về làng Sen, về gia đình Bác Hồ. Hai cha con anh nán lại, theo đoàn đi hết 4 phòng trưng bày chuyên đề về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn đã xem xong, ông vẫn còn nán lại, xem cho kỹ viên gạch mà Bác đã dùng để sưởi ấm ở Paris những ngày giá lạnh. Ban nãy, cô hướng dẫn viên đã nói khi sống ở Paris, Bác thuê một căn phòng nhỏ không có điện, không có lò sưởi. Vào mùa đông, Bác phải gửi một viên gạch trong lò sưởi của chủ nhà, tối đi làm về xin lại để giữ bên mình cho ấm suốt đêm. Viên gạch này cùng thời với viên gạch Bác đã dùng, được Lãnh sự quán Pháp tặng cho bảo tàng.
Ngồi nghỉ mệt, ông Dũng tấm tắc khen: “Hay thiệt đó. Mấy cái này tui đọc sách báo, xem tivi cũng thấy rồi nay được nghe giới thiệu đầy đủ vậy”. Rồi ông Dũng nở nụ cười, kể rằng, quê ông ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, là nơi hơn một thế kỷ trước, cha của Bác Hồ vào làm quan, khi ấy còn gọi là huyện đường Bình Khê. Hai anh em Bác Hồ đi theo cha và lưu tại đây một thời gian. Rồi sau này Bác Hồ mới xuôi Nam, lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.
Chẳng riêng cha con ông Dũng, rất nhiều khách đã tới tham quan tại bảo tàng. Chị Lan Vinh, nhân viên của bảo tàng cho hay, có thời điểm một ngày, mỗi hướng dẫn viên nhận thuyết minh cho cả chục đoàn khách, cả trong nước lẫn nước ngoài. Mệt thì có mệt, nhưng nhìn những khuôn mặt, ánh mắt chăm chú, háo hức của khách tham quan khiến các chị thấy được động viên rất nhiều. Dương - sinh viên năm thứ 3 Đại học Luật TPHCM - đứng ngoài hành lang bảo tàng, nhìn ra dòng sông Sài Gòn gió thổi lên mát rượi. Dương chia sẻ: “Điều em ngưỡng mộ nhất ở Bác Hồ là hoài bão lớn lao, tìm đường đi đúng đắn cho cả dân tộc”.
Nơi giáo dục thế hệ trẻ
Với đảng viên trẻ Huỳnh Liêm, ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng là ngày vô cùng trọng đại. Càng đặc biệt hơn khi chi bộ quân sự phường 15 (quận 5) chọn địa điểm kết nạp Đảng là nhà số 5 Châu Văn Liêm (phường 14, quận 5, TPHCM) - nơi ngày xưa Bác Hồ có thời gian hơn 9 tháng lưu lại trước khi ra đi tìm đường cứu nước. “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác và ngay tại nơi lưu giữ những kỷ niệm về Người, đối với tôi là điều hãnh diện và hạnh phúc. Tôi không chỉ tự hào mà còn thấy bản thân phải có trách nhiệm hơn trong thời gian tới để xứng đáng với vai trò một đảng viên”, Huỳnh Liêm bày tỏ.
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm đến nay vẫn còn lưu giữ những nét kiến trúc xưa cùng những hình ảnh lưu niệm về Bác Hồ. Trong căn nhà chưa đầy 40m2, nền được lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương ấy chất chứa bao nhiêu tư liệu quý về thời gian Bác ở Sài Gòn. Ngày nay, nơi đây cũng chính là địa điểm giúp giáo dục truyền thống cho bao thế hệ trẻ.
Vào những dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thanh thiếu niên cũng đến tham quan những địa điểm mà Bác đã từng sinh sống và hoạt động cách mạng, trong đó có căn nhà số 5 Châu Văn Liêm. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Chi đoàn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết từng nhiều lần đến đây, nhưng mỗi lần trở lại, cô có những cảm xúc khác nhau. Những hiện vật, hình ảnh và cả những câu chuyện về Bác được lưu lại nơi đây đã giúp các đoàn viên càng thấm nhuần hơn tình yêu của Bác đối với đất nước, dân tộc.
“Đứng trước một địa chỉ trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, được biết thêm những gian nan Bác phải trải qua và cả những quyết định không phải ai cũng làm được, tôi lại tự hứa với bản thân sẽ cố gắng hơn nữa để trau dồi trí tuệ, bồi dưỡng nhân cách và tư tưởng cách mạng. Tôi tin rằng, người trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP mang tên Bác sẽ luôn nỗ lực cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho đất nước, để viết tiếp câu chuyện đưa Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa, sánh vai với các cường quốc năm châu, như sinh thời Bác hằng mong muốn”, Tuyết Hạnh trải lòng.