Sử dụng ngôn ngữ vô tội vạ
Không phải chỉ em tôi mà rất nhiều bạn trẻ thế hệ “phiên dịch viên” tuổi teen rất thích cách sử dụng từ ngữ nửa Tây, nửa ta. Thậm chí, em còn giới thiệu cả bộ từ điển “Việt hóa từ ngữ tiếng Anh lóng teen cần phải biết” để bổ sung “vốn liếng ngôn ngữ”, không phải gia nhập CLB “những người tối cổ”. Một số từ biến chứng khi đổi cách phát âm hay những cách ghép từ có một không hai của giới trẻ, từ chào hỏi, chuyện tình cảm, cả chuyện chửi nhau như thế nào cho “sang” đều có.
Từ lâu nay, việc giới trẻ dùng tiếng Việt chêm thêm vài từ tiếng Anh không hề xa lạ. Nó là một trào lưu, nối lại thành câu với ngữ pháp tiếng Việt theo nguyên tắc đồng âm, còn nghĩa thực sự của các câu thì hoàn toàn không đúng với tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Cách dùng từ pha trộn vẫn được các bạn trẻ xài như thể hiện phong cách riêng. Bên cạnh đó, giới trẻ còn “phát minh” song ngữ, biến đổi cách phát âm như thanh-sơ-kiều (thank you), Ai-lái-kịt (I like it), đe-le-te (delete)… Không chỉ thích sử dụng câu Anh - Việt lẫn lộn, rất nhiều bạn còn đặt tên mình theo kiểu nửa Tây nửa ta. Một số “nghệ sĩ” trẻ cũng chuộng kèm tên tiếng Anh thiệt sành điệu vào sau tên mình hoặc dùng hẳn nghệ danh tiếng Anh, lắm khi tưởng ca sĩ nước ngoài.
Phải nói rằng, ngôn ngữ nói chuyện của giới trẻ bây giờ rất phong phú và cũng rất khó hiểu bởi chữ nghĩa bị Tây Tàu hóa rồi còn bớt xén, cắt nối, thậm chí mã hóa dùng ký hiệu Toán, Lý, Hóa, Anh văn… đủ sức gây “choáng” nội dung lẫn hình thức thể hiện. Nhiều từ khiến người đọc không thể đoán nổi khi chữ “q” thành “w”, chữ “y” thành “i”, chữ “c” thành “k”, như “iu wá” (yêu quá), “lun lun” (luôn luôn), pà con” (bà con), “s2y” (same to you - bạn cũng vậy nhé)… Đặc biệt, trong các hội nhóm dành cho giới trẻ hiện rất thịnh hành cách dùng từ theo kiểu chửi tục, ám chỉ các bộ phận nhạy cảm cơ thể con người… Trước còn nói tránh, viết tắt, giờ nhiều bạn viết thẳng, đầy đủ một cách trần trụi và nghiễm nhiên cho đó là thể hiện cá tính, sự bất cần…
Biết cách gìn giữ
Tình trạng giới trẻ nói chuyện chèn vài ba từ tiếng Tây, tiếng Tàu không thiếu, nhưng hiện tượng này ngày càng phổ biến. Nói nhiều, tưởng hay, một số người bê luôn thói quen trộn lẫn đến nơi công cộng, lên truyền hình, quay clip đăng mạng xã hội… Cách đây không lâu, trên mạng xã hội, rất nhiều bạn cực kỳ chuộng dạng bình luận chèn thêm câu “có healthy không, có balance không”. Câu nói bắt đầu từ Giang Coco, một thí sinh nữ trong gameshow hẹn hò. Cô gái khiến nhiều người “lên máu” khi “bắn” tiếng Việt trộn tiếng Anh loạn xạ. “Nếu như phải đi đến long distance relationship thì thật sự phải là mối quan hệ rất serious”, cô nói với người dẫn chương trình. Nhiều khán giả lên tiếng thẳng: “Thiết nghĩ nên tôn trọng văn hóa nước mình đi cái đã. Ở nước ngoài có bao giờ người ta lồng ghép tiếng Việt vô chưa?”…
Phạm Hoàng Sơn (25 tuổi, đang học thạc sĩ Khoa học Y sinh Đại học Công nghệ Queensland - Australia), thẳng thắn cho rằng, việc nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn từng du học, tiếp xúc với ngôn ngữ tiếng Anh ít nhiều sẽ ảnh hưởng cách sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp, đặc biệt là tiếng Việt. Việc cố gắng sử dụng một ngôn ngữ mới khiến người học tăng sự tập trung chọn lựa ngôn từ khi giao tiếp với những đối tượng khác nhau, và trong một số trường hợp khá nghịch lý là loay hoay diễn tả một từ bằng... tiếng Việt. Sự bối rối đó chủ yếu do phản xạ, dùng thường xuyên thành thói quen nên khi nói tiếng Việt thì phải mất vài giây chọn đúng từ muốn truyền đạt.
“Mình rất hiểu cách nói chuyện nửa Việt, nửa Tây khiến người nghe khó chịu nên tùy đối tượng giao tiếp sẽ lựa chọn ngôn ngữ phù hợp. Với bạn bè, trong một số trường hợp khá thoải mái, nhưng trong công việc hay giao tiếp với mọi người, đặc biệt là ba mẹ thì không nên. Tiếng Việt mình đẹp lắm! Có rất nhiều từ hay, dễ thương mà nghe là biết quê mình, đất nước mình đó. Không gì diễn tả tốt nhất bằng ngôn ngữ nước mình”, Sơn chia sẻ.
Cô Phan Thị Thảo, giáo viên tiếng Anh tại quận 3, nhận định, trong thời buổi hội nhập như hiện nay thì việc bạn trẻ học giỏi tiếng Anh là điều quá tốt, nhưng phải biết cách dùng ngôn ngữ phù hợp chứ không phải cố tỏ ra mình rành tiếng Anh. “Trước khi giỏi những thứ tiếng khác thì tiếng Việt phải tốt, phải biết cách giữ gìn ngôn ngữ của mình. Nếu không, tiếng mẹ đẻ sẽ mai một”, cô Phan Thị Thảo chia sẻ.
Thế giới rộng mở, những giá trị văn hóa không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia, vùng miền. Ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống người trẻ. Chưa kể, hiện nay một lượng không nhỏ từ ngữ hiện được sử dụng có yếu tố Hán Việt, khó thay thế bằng các từ thuần Việt và nhiều người trong chúng ta lại “chuộng” sử dụng để tỏ ra trịnh trọng. Nhưng tiếng Việt mình đẹp lắm, thật khó hiểu nếu người Việt nói chuyện với nhau bằng… ngôn ngữ khác.