Cụ thể, trong chiều 6-11, người dùng Snapchat tại Việt Nam phát hiện bản đồ của mạng xã hội này hiển thị “đường lưỡi bò” phi pháp, dưới dạng bản đồ vệ tinh. Và đây là bản cập nhật Snapchat phiên bản quốc tế, rất nhiều người dùng trên thế giới cùng thấy, không riêng ở Việt Nam.
Thống kê của Statista (một nền tảng trực tuyến chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu, có trụ sở tại Đức) đến quý II-2023, ứng dụng này có 397 triệu người dùng hàng ngày trên toàn cầu. Hiện tại, mạng xã hội này chưa có đầu mối liên lạc tại Việt Nam và sự việc đang được Bộ TT-TT tìm hướng xử lý.
Trong nhóm “Hội phản đối đường lưỡi bò phi pháp”, với hơn 3.700 thành viên, Nguyễn Hồng Hoàng An (23 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ bài viết thể hiện quan điểm phản đối Snapchat.
“Nếu bạn nào làm việc ở các công ty nước ngoài, hay có đối tác là khách quốc tế thì rất quen xài mạng xã hội này. Thuận tiện nhưng không phải là độc quyền, không dùng mạng này mình chuyển qua kênh khác thôi. Để phản đối họ, người dùng phản hồi với nhà cung cấp dịch vụ, chứ không chỉ đơn thuần là xóa ứng dụng hay xóa tài khoản, khi chúng ta đồng loạt lên tiếng thì chắc chắn sẽ tạo được tác động”, Hoàng An chia sẻ.
“Đường lưỡi bò” phi pháp cố tình luồn lách trong các sản phẩm giải trí, mạng xã hội đã trở thành câu chuyện cảnh giác với nhiều bạn trẻ. Trần Thanh Hằng (25 tuổi, nhân viên thiết kế website, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) phân tích: “Để nhìn ra “đường lưỡi bò” phi pháp cũng cần phải tinh mắt, vì họ lồng ghép trong phim ảnh rất tinh vi và hình ảnh xuất hiện rất nhanh. Với mạng xã hội cũng vậy, bản cập nhật mới và người dùng phải kiểm tra phần bản đồ thì mới phát hiện “đường 9 đoạn”. Mạng xã hội nào cũng sẽ có một ưu điểm vượt trội, nhưng nó không độc quyền đến mức không thay thế được, nên mình cần có quan điểm, và thẳng tay loại bỏ ngay chứ không phải vì tiện, hay quen tay mà chấp nhận xài”.
Trước những vấn đề mang tính thời sự chung, tiếng nói người trẻ - tiếng nói của thế hệ đương thời vẫn luôn được nhiều người quan tâm. Bởi họ là thế hệ hôm nay và tương lai của đất nước, việc thể hiện quan điểm, thẳng tay trước những sai lệch là điều thiết thực trước định nghĩa trách nhiệm công dân…
Giữa vòng xoáy nhanh và tiện của mạng xã hội trong đời sống 4.0, việc luôn cảnh giác và sẵn sàng lên án những nền tảng trực tuyến có thông tin sai lệch về lịch sử, chủ quyền biển đảo quốc gia cũng là một bản lĩnh của thế hệ trẻ, thế hệ gắn liền với kết nối “không biên giới” của internet.