“Tiếng gọi vĩnh cửu” của cuộc sống

“Tiếng gọi vĩnh cửu” của cuộc sống

Cuốn tiểu thuyết “Tiếng gọi vĩnh cửu” của nhà văn Nga xô viết Anatôli Ivanốp kể về cuộc sống của những con người ở một ngôi làng nhỏ bé vùng Xibêri trong những năm nhân dân Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại chống bọn phát xít Hítle.

Câu chuyện trải dài gần nửa thế kỷ với bao sự kiện, biến động: cuộc cách mạng vô sản, nội chiến, rồi công cuộc tập thể hóa và cuộc chiến tranh vệ quốc. Cuốn sách đã hút người đọc vào một thế giới xung đột khủng khiếp giữa những con người với những niềm tin khác nhau và cả những xung đột giữa những niềm tin khác nhau trong mỗi con người.

Tinh thần chủ đạo của tác phẩm được đặt vào lời tự vấn của viên cảnh sát Nga hoàng Xviriđốp trước khi y tự bắn một viên đạn vào đầu vì bế tắc: “Con người sống để làm gì? Ý nghĩa của cuộc sống và cái chết của con người là ở đâu? Ở  đâu là chân lý, sự thật, ở  đâu là dối trá, lừa đảo...”.

Đó là những câu hỏi cụ thể và cấp thiết luôn đặt ra cho mỗi nhân vật trong toàn bộ tác phẩm nhưng không phải bao giờ và bất kỳ ai cũng có thể trả lời ngay và trả lời đúng. Chính những biến cố vĩ đại của nước Nga suốt nửa thế kỷ đó đã tạo ra những tình huống trở thành những bước ngoặt bất ngờ nhất trong số phận của mỗi cá nhân.

Tiêu biểu nhất là số phận ba anh em nhà Xavêliép.

Người anh cả Antôn sớm đến với cách mạng, sớm trả lời được những "câu hỏi tinh thần" đó, ông đã "sống để giúp người khác sống, để giúp mọi người tìm thấy trong mình những nguồn gốc chân lý của cuộc đời”, và ông đã tìm thấy hạnh phúc của mình.

Trong khi đó, người em út Ivan chịu một số phận cùng cực, bị cuộc đời quăng quật đến thảm thương với những nỗi oan giấu tận sâu thẳm đáy lòng nhưng anh không căm ghét, không thù hận vì anh nghe được tiếng gọi vĩnh cửu và cao thượng của cuộc sống, của niềm khao khát muôn đời tìm cho ra chỗ đứng con người của mình giữa nhân loại.

Còn Phêđô tưởng rằng đã nhận thức được chân lý đời mình khi không ngần ngại đổ máu bảo vệ chính quyền Xô viết và hăng say tham gia công cuộc tập thể hóa nông trang, nhưng lối sống ích kỷ của ông đã khiến ông không thể nào với tới hạnh phúc, không thể trả lời được câu hỏi nhức nhối của người vợ: “Vậy ông sống để làm gì?”.

Gấp cuốn sách lại, tôi bồi hồi liên tưởng rằng câu hỏi ấy cũng đã ám ảnh người Việt Nam chúng ta suốt thế kỷ qua. Dòng thác cách mạng trong kháng chiến, rồi xây dựng đất nước cứ cuốn chúng ta đi, nhưng không phải ai cũng nhận ra chân lý dù cũng đã trăn trở, đau đớn và đổ máu.

Và thế hệ chúng tôi cũng vậy, cũng như những bạn trẻ Xêmiôn, Natasa trong truyện, đâu phải chỉ tìm ra chân lý là đủ, còn phải biết đi theo tiếng gọi của cuộc sống, của thời đại để đi theo “cái sức mạnh vĩ đại và bí ẩn, vĩnh cửu và vô địch sống trong con người, cái sức mạnh đó trong những giây phút khó khăn, nguy kịch nhất bắt con người phải hướng cái mặt mạnh mẽ nhất, cao thượng nhất, công bằng nhất của mình đến với cuộc sống…” như cảm nhận của Natasa.

Lời nhắn gửi trong tác phẩm của Anatôli Ivanốp thật rõ ràng: Tiếng gọi vĩnh cửu ấy có trong mỗi con người, điều quan trọng là hãy biết lắng nghe…

DUY PHÚC
(ĐHKHXH – NV)

Tin cùng chuyên mục