Người nhà cụ ông phản ánh, mặc dù cuốc xe chỉ đi khoảng 5 phút, nhưng vì quý mến người tài xế nhiệt tình nên ông đã rút tờ 500.000 đồng ra tặng thêm, không ngờ anh ta rút bóp ông cụ lấy tổng số tiền 2,9 triệu đồng. Những câu chuyện “chặt chém” du khách thế này không mới, diễn ra khắp nơi từ Bắc vào Nam, nhưng tại sao không dẹp được triệt để?
Nhắc đến TPHCM, mọi người nghĩ ngay đến sự nỗ lực của ngành du lịch TP hướng đến một môi trường sống văn minh, hiện đại, thân thiện và an toàn. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, mà điển hình như cụ ông người Nhật Bản bị “chặt chém” nêu trên.
Còn nhớ, những năm trước đây, các ngôi chợ truyền thống nổi tiếng trên địa bàn TPHCM như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5)… tấp nập khách ra vào và khách mua hàng trả giá nào cũng bị “hớ” diễn ra phổ biến, vì hầu hết chưa được niêm yết giá. Việc khách hỏi nhưng không mua hàng, bị tiểu thương chửi té tát cũng từng xảy ra. Nhưng hiện nay, văn hóa bán hàng kiểu “chợ búa” này đã được chấn chỉnh.
Theo đại diện Ban Quản lý chợ Bến Thành, từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ phát hiện và xử lý 1 trường hợp tiểu thương bán quá giá quy định. “Trường hợp người dân, du khách bức xúc phản ánh ở đâu không rõ. Còn nếu phản ánh trực tiếp đến ban quản lý chợ, nhất định chúng tôi sẽ xử lý kịp thời”, đại diện Ban Quản lý chợ Bến Thành cho hay.
Không riêng TPHCM, kiểu bán hàng chụp giựt diễn ra ở nhiều địa phương khác trên cả nước, mà Hà Nội là một ví dụ rõ nhất. Kể lại chuyến công tác đến Hà Nội cách nay ít ngày, chị T.B., làm việc tại TPHCM, không giấu nổi sự bực bội. Chị kể: “Đoàn mình đông, nên tách làm hai nhóm khi đến ăn tại một quán phở. Thế nhưng, đoàn đi trước chỉ trả 25.000 đồng/tô, còn đoàn mình phải trả 125.000 đồng/tô. Mình hỏi lý do thì nhân viên trả lời rằng quá tải nên phụ thu”.
Chia sẻ với người viết, một người làm lâu năm trong lĩnh vực lữ hành kể lại rằng, anh biết có trường hợp nhân viên tại một khách sạn ở Hà Nội tính tiền phòng cho khách Nhật Bản 1 triệu đồng, nhưng đếm 20 tờ 500.000 đồng, rồi bảo đó là tờ 50.000 đồng. Vì khách không rành mệnh giá và cũng ngại làm phiền nên họ cứ xòe tiền ra, nhân viên khách sạn lấy hết.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mà trong đó mỗi người dân, tài xế (xích lô, taxi, xe ôm…) đều có thể quảng bá hiệu quả về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua chính việc họ làm. Hành động nhỏ nhưng mang đậm tính nhân văn đều để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách. Chẳng hạn như trường hợp một bạn trẻ nhiệt tình chỉ đường cho du khách quốc tế bị lạc đường, hay một cô gái lì xì nữ du khách lớn tuổi người Đức 20.000 đồng dịp Tết Nguyên đán… đã được những người này chia sẻ lại.
Người xưa có câu “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Nhắc lại câu nói này để thấy rằng, ngành du lịch có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng chính cách làm ăn chụp giựt của một số người Việt sẽ để lại ấn tượng không đẹp. Mà ấn tượng xấu ấy lại bị truyền thông hiện đại khuếch tán thì để gột rửa sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Ở góc độ người làm du lịch, cũng nên bỏ ngay tâm lý “mưa lúc nào mát mặt lúc đó”, khách nước ngoài giàu có dễ dụ, “vặt” được gì thì “vặt”… Còn các cơ quan chuyên trách thay vì chạy theo xử lý các vụ việc, rất cần có những biện pháp căn cơ hơn để những đối tượng làm ăn chụp giựt không có cơ hội tung hoành.