Hơn thế, việc trực tiếp trải nghiệm tuyến metro phía Nam còn cho thấy tầm nhìn ưu tiên của lãnh đạo các cấp đến định hướng phát triển hạ tầng giao thông đô thị phía Nam, trong đó đặc biệt là mạng lưới metro với 200km sẽ hoàn thành trong hơn 10 năm tới và sẽ bao phủ toàn TPHCM với hơn 500km trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, còn là tuyến metro nối dài theo lộ trình từ ga Suối Tiên - TPHCM qua Mỹ Phước - Tân Vạn - đường XT1 - ga trung tâm (khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương), còn ở Đồng Nai thì cũng từ ga Suối Tiên dọc theo quốc lộ 1 đến ngã ba Chợ Sặt thuộc TP Biên Hòa.
Đặt trong tiến trình Chính phủ vừa có tờ trình nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TPHCM, thì sự có mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm trên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là một động lực, đồng thời cũng cần được hiểu như một “mệnh lệnh” cụ thể nhằm thúc đẩy để sớm hiện thực hóa tuyến “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng đô thị ở thành phố đầu tàu, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Có lẽ, nhận thấy và nhận lấy trách nhiệm to lớn này, nên trong 6 nhóm giải pháp trọng tâm của chương trình hành động, tân Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đã xác định “triển khai các chương trình, giải pháp về đô thị và phát triển hạ tầng gắn với liên kết vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long như đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, kết hợp phát triển các vùng đô thị và các mô hình TOD…”.
Cùng ngày, cũng trên một con tàu khác, mang biểu tượng là “con tàu tri thức” của TPHCM nói riêng, khu vực phía Nam nói chung, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, đánh dấu một chặng đường phát triển đầy tự hào. Sự kiện không chỉ là dịp nhìn lại thành tựu mà còn là cơ hội để định hướng tương lai, khi Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi số, phát triển công nghệ lõi và xây dựng nền kinh tế tri thức. Như lời phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sứ mệnh của ĐHQG TPHCM là tham gia “bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực…”.
Nếu giáo dục là quốc sách thì vai trò giáo dục - đào tạo - chuyển giao công nghệ và sáng tạo của ĐHQG TPHCM có giá trị cốt lõi cho cả toàn vùng. Sứ mệnh này đặt trong điều kiện ra đời của Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia lại càng mang tính quyết định cho tiến trình đi vào kỷ nguyên mới và xác lập nhân dạng của nó.
Điều cần lưu ý, trong Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định thành phố là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển, nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế. Mục tiêu này có trong nhóm giải pháp thứ ba của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, trong đó tập trung triển khai các chương trình, giải pháp về chuyển đổi mô hình kinh tế gắn với Nghị quyết 57.
Chỉ khi trên cả 2 con tàu (tàu điện ngầm của đường sắt đô thị và con tàu tri thức), Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng sẽ tự lực, tự cường, vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc.