Xã hội nguyên thủy dùng tiền vỏ ốc hẳn là những bộ tộc nhỏ lẻ trên núi cao. Nơi vỏ ốc được coi là quý hiếm. Suy đoán thôi cũng thấy việc quản lý tiền tệ thời kỳ này thật đơn giản. Chỉ cần một tù trưởng kiêm luôn cả chức vụ “Thống đốc ngân hàng” là đủ nhớ bộ lạc của mình có bao nhiêu “vỏ ốc”.
Đồng tiền hiện kim lâu đời nhất của người Việt còn lại là tiền xu thời Đinh Tiên Hoàng Đế. Đó là đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo được đúc vào sau năm 968 khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân và lên làm vua. Nhiều triều đại kế tiếp sau đó, người Việt đều dùng đồng tiền riêng của mình. Không kể đồng tiền giấy lưu hành rất ngắn hạn thời nhà Hồ, tất cả đều là tiền xu vành tròn lỗ vuông cho đến tận thời ông vua cuối cùng Bảo Đại triều Nguyễn chấm dứt vào năm 1945. Ông vua này trước khi thoái vị ít lâu còn ra một sắc lệnh đáng nhớ về tiền tệ. Khi đó ông cho lưu hành đồng tiền trinh trị giá chỉ bằng 1/3 xu. Người ăn mày không còn được bố thí một xu như trước nữa mà chỉ còn nhận được một trinh.
Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào năm 1945, nước ta đã có đến 6 lần đổi tiền. Từ năm 1958, tiền Việt mệnh giá to nhất chỉ là 10 đồng. Bộ tiền này được lưu hành từ năm 1958 gồm có những tờ 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 1 hào, 2 hào, 5 hào. Và tiền kim loại 1 xu, 2 xu, 5 xu. Thành ngữ “9 xu đổi lấy 1 hào” chỉ những người keo kiệt ra đời vào thời gian này. Một hào là số tiền có thể mua được 1 que kem hoặc 1 cuộn chỉ, 1 bao diêm. Giá này được mậu dịch giữ vững khoảng 20 năm sau.
Lương cán bộ thời kỳ này cho đến hết thời kỳ bao cấp cũng không thay đổi. Đại khái tốt nghiệp trung cấp nhận lương hàng tháng 45 đồng, đại học 60 đồng, cán bộ cấp vụ khoảng 150 đồng là có thể nuôi gia đình 4 con ngay cả khi vợ ông ấy chỉ ở nhà làm nội trợ. Đến thời kỳ bao cấp cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước thì không còn được như thế nữa. Vợ ông vụ trưởng cũng phải mua tiêu chuẩn thuốc lá của ông ấy bằng bìa C mang ra ngoài bán để thêm thắt vào bữa ăn tem phiếu hết sức đạm bạc khi ấy.
Mô tả ảnh
Từ 1985 đến nay, đồng tiền Việt Nam liên tục thay đổi về nhận dạng và vật liệu in ra nó. Bộ tiền giấy 1985 chỉ có đến tờ tiền mệnh giá 500 đồng là cao nhất. Khi thì lưu hành tiền xu có mệnh giá đến 5.000 đồng. Lúc lại thay đổi vật liệu polymer để in tiền giấy đến mệnh giá 500.000 đồng. Nhưng chuyện đó không ảnh hưởng gì đến tâm lý tiêu tiền. Chỉ có tình hình trượt giá là vẫn diễn ra “trong kiểm soát”. Cho nên chẳng cần phải đổi tiền làm gì cho ồn ào tốn kém. Cái bánh mì giá 5 hào năm 1985 giờ có giá 1.000 đồng. Vậy là tăng gấp 20 lần vào đúng dạ dày. Tờ tiền to nhất 500 đồng năm 1985 giờ được bà con hai bên cầu Bến Thủy có sáng kiến dùng để mua phí giao thông. Khi đó 40.000 đồng/lượt phải đếm đủ 80 tờ 500 đồng hoặc 200 tờ 200 đồng.
Tiền dù nhiều hay ít thì vẫn có tình trạng kẻ ăn chẳng hết người lần không ra. Cái ấn tượng về một thời gian khổ bao cấp hình như vẫn chưa được xóa sạch trong tâm trí người Hà Nội. Họ vẫn có cách ăn tiêu thật là điềm đạm, kín đáo. Không thấy nhiều biệt thự triệu đô la Mỹ phô trương hống hách. Cũng không thấy các đại gia ầm ĩ tậu máy bay, thuê người lái.
Có bao nhiêu tiền thì gọi là đủ? Chẳng ai biết cả. Nếu biết được thì hẳn là Hà Nội sẽ vắng vẻ đi ít nhiều.