Lên lộ trình xóa sổ
Ghi nhận cho thấy, hiện trên nhiều tuyến đường nội đô lẫn ngoại thành TPHCM, tình trạng xe 3 - 4 bánh tự chế vẫn hoạt động sôi động. Mục sở thị tình trạng xe 3 - 4 bánh tự chế lưu thông dọc đại lộ Võ Văn Kiệt (địa bàn quận 5, quận 6) vào tầm 4 giờ chiều, phóng viên quan sát hàng đoàn xe sau khi ăn hàng chạy bạt mạng, lấn làn đổ về hướng quận Bình Tân, huyện Bình Chánh… Hầu hết các xe đều chở hàng cồng kềnh, chất cao che hết cả tầm nhìn, chiếm luôn làn đường xe máy. Còn trên các tuyến đường như: Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp và TP Thủ Đức); quốc lộ 1A đi qua quận 12, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn…, xe 3 - 4 bánh tự chế tung hoành cả ngày lẫn đêm. Những chiếc xe tự chế kiểu này thường xuyên dẫn đến tình trạng kẹt xe, đồng thời là tác nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông.
Hầu hết những xe 3 - 4 bánh tự chế dùng để bán hàng rong, chở vật liệu xây dựng, hàng hóa cồng kềnh, trong khi kết cấu xe thô sơ, cũ kỹ, độ chế, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Vào năm 2013, UBND TPHCM quyết định cấm và hạn chế xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3 - 4 bánh chạy vào khu vực nội đô. Từ đó đến nay, TPHCM đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3 - 4 bánh tự chế, chi khoảng 160 tỷ đồng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng. Dù vậy, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện TP còn gần 30.000 xe 3 - 4 bánh tự chế. Năm 2017 đến nay, TP xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông liên quan xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ. “Lệnh cấm đã có trên 10 năm, nhưng càng ngày TP xuất hiện càng nhiều xe 3 - 4 bánh tự chế. Quả là nghịch lý”, một chuyên gia đô thị thất vọng. Vừa qua Sở GTVT TPHCM đề xuất lập vành đai giới hạn xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh chạy vào nội đô, tiến tới cấm toàn bộ loại xe này sau năm 2025 là cần thiết và cần sớm có lộ trình, kế hoạch cụ thể.
Cần chính sách hỗ trợ thay thế phương tiện
Thực tế, phần lớn người chạy xe 3 - 4 bánh tự chế chủ yếu là người nghèo, người có thu nhập thấp tìm kế mưu sinh. TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN-MT TPHCM, cho biết, xe 3 - 4 bánh độ chế, cũ nát đang là một trong những nguồn phát thải khí độc hại ra ngoài môi trường, đòi hỏi các đơn vị chức năng cần sớm thu hồi. Song, với những lao động nghèo thì đó lại là kế sinh nhai. “Cần có sự hỗ trợ tài chính từ cơ quan quản lý nhà nước để người dân phần nào có kinh phí chuyển đổi phương tiện. Nếu thu hồi mà không có chính sách hỗ trợ hợp lý rất dễ xảy ra trường hợp người dân không chấp hành, tìm cách đối phó, đề án không thực hiện một cách triệt để”, TS Nguyễn Đinh Tuấn kiến nghị.
Qua đánh giá thực tiễn, Sở GTVT cho rằng, việc điều chỉnh hoạt động dần tiến tới chấm dứt hoàn toàn đối với loại phương tiện xe tự chế phần nào ảnh hưởng một bộ phận người dân, chủ yếu tập trung vào những người dân có thu nhập thấp. Do đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, cần thiết phải có các giải pháp phù hợp bảo đảm nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ người dân TPHCM.
Từ năm 2007, Chính phủ đã có Nghị quyết 32 về đình chỉ hoạt động một số phương tiện cơ giới (trong đó có xe 3 - 4 bánh tự chế) và có chính sách hỗ trợ chủ các phương tiện thay thế xe, chuyển đổi việc làm, nhưng thực tế nhiều người quay về “nghề cũ” vì không tìm được việc mới phù hợp. Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, người sử dụng phương tiện xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh đa phần là người có thu nhập thấp, do nhu cầu mưu sinh nên nhiều trường hợp tiếp tục sử dụng các loại phương tiện này để buôn bán hàng rong, chở vật liệu, hàng hóa… gây mất trật tự giao thông. “Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, chuyển đổi phương tiện đã thực thi nhưng sau khi nhận được tiền hỗ trợ và nộp xe tại UBND các phường, xã, một số người dân sau đó đã mua lại xe 3 - 4 bánh khác để tiếp tục lưu hành. Do đó, cần thiết phải có giải pháp điều chỉnh, bổ sung để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, nhằm giải quyết triệt để các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông do xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh”, ông Võ Khánh Hưng nhấn mạnh.
Cao điểm kiểm tra xử lý xe cũ nát, xe tự chế Đợt 2 từ 15-3 đến hết ngày 14-6 thực hiện tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Trong đợt cao điểm này, các đơn vị tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, đèn kèn thắng hoặc có nhưng không có tác dụng; vi phạm quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ... Cán bộ chiến sĩ được dừng các phương tiện để kiểm tra hành chính: xe mô tô, xe cơ giới 3 bánh, xe cũ nát, xe tự chế. Thực hiện kiểm soát bằng biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tẩy xóa, sửa chữa, giả mạo... Nếu không có vi phạm, trả lại giấy tờ, nói lời cảm ơn về sự hợp tác của người điều khiển. |