Theo đó, mục tiêu của chương trình là cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu này nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Cụ thể, đến năm 2020, sẽ hoàn thành cơ cấu lại, đổi mới DNNN giai đoạn 2017 -2020. Trong đó, thực hiện cổ phần hóa 137 DNNN, hoàn thành thoái vốn theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài với trọng tâm là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương. Năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Chương trình cũng đặt nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN. Đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện để thực hiện cổ phần hóa thì xem xét áp dụng các hình thức sắp xếp khác như bán, khoán, cho thuê, giải thể, áp dụng biện pháp phá sản theo quy định của pháp luật đối với DNNN lâm vào tình trạng phá sản mà không có phương án tái cơ cấu khả thi…
Chính phủ cũng nêu rõ, tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho mục đích chi đầu tư phát triển, không sử dụng chi thường xuyên. Điều này đảm bảo đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 250.000 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 60.000 tỷ đồng. Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng DNNN, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh. Nghiêm cấm việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, vào lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, dự án có nguy cơ rủi ro cao..