Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc
“Nghiên cứu dự án chưa bao giờ là công việc kiếm ra tiền, mà đó là công việc tiêu tiền vì phải theo đuổi trong thời gian rất dài. Nhưng khi đã theo đuổi thì phải theo đuổi cho tới cùng mới gặt hái được thành quả”, nữ tiến sĩ trẻ Vũ Bích Ngọc (sinh năm 1986) - một trong số 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, đã chia sẻ như thế về “nghiệp” nghiên cứu của mình.
Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc hiện đang công tác tại Phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM). Trước đó, chị là chủ nhân của giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2017. Để có được những ghi nhận xứng đáng đó là cả quá trình phấn đấu không ngừng, bởi như lời chị kể, ngành nghề chị đang đảm trách chỉ đến như một cơ duyên.
Vũ Bích Ngọc chia sẻ: “Ban đầu tôi yêu thích nghề bác sĩ, nhưng không ngờ thi đậu vào ngành công nghệ sinh học, rồi lại tiếp tục may mắn thi đậu thạc sĩ”. Cũng theo lời chị kể, tuy đây không phải công việc mơ ước lúc nhỏ, nhưng đến năm thứ 3 đại học thì dần yêu thích sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu dự thi cấp trường. Quan trọng hơn cả, chính sự nhiệt huyết từ thầy cô hướng dẫn đã lan tỏa, tạo cho chị sự hứng thú với nghề cho đến hôm nay.
Với Vũ Bích Ngọc, mọi ý tưởng nghiên cứu đều bắt nguồn từ việc tham dự các hội thảo, hội nghị - nơi những kiến thức chuyên sâu được chia sẻ bởi những chuyên gia đầu ngành. Nhờ thế, những dự án nghiên cứu mà chị thực hiện hoặc cùng tham gia như điều trị bệnh ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, điều trị bệnh tiểu đường bằng tế bào gốc, nghiên cứu liệu pháp điều trị bệnh tim mạch… đạt nhiều kết quả khả quan.
“Liệu pháp điều trị bệnh tiểu đường đã được Bộ Y tế thông qua và đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện Vạn Hạnh cho kết quả điều trị bệnh khá tốt. Liệu pháp điều trị bệnh ung thư đang được Viện Tế bào gốc hợp tác cùng một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM thử nghiệm và sẽ triển khai rộng rãi trong thời gian sắp tới”, Vũ Bích Ngọc hồ hởi cho biết.
Sau những giờ nghiên cứu, nữ tiến sĩ trẻ lại lên giảng đường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cùng sinh viên. Rồi lại đôn đáo các phần việc cho 2 đề tài nghiên cứu khoa học về mạch máu và mô sụn nhân tạo. Ngọc mong muốn sớm tạo ra được mô sụn nhân tạo đủ tiêu chuẩn cấy ghép vào cơ thể người để điều trị trong thoái hóa sụn khớp. Xa hơn, kết quả đề tài của chị có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y học, mỹ phẩm, lai tạo giống…
Công việc nhiều, nghiên cứu lại đòi hỏi cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Đó là sự khó khăn và trở ngại lớn nhất của chị, nhưng không vì vậy mà bỏ cuộc. Chị nói: “Có lúc bế tắc, nếu không đam mê sẽ bỏ cuộc. Nhưng mình phải biết là có mệt mỏi mới có thành công”.
Và tiến sĩ trẻ này cũng đang nuôi dưỡng cho mình ước mơ khởi nghiệp từ chính các sản phẩm đã nghiên cứu thành công.