Vừa nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 39, tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang (Học viện Cán bộ TPHCM) là một gương mặt quen thuộc trong các hoạt động tư vấn cộng đồng. Chị còn là một chuyên gia tư vấn được phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo quý mến qua nhiều chương trình truyền thông về gia đình, giáo dục trên màn ảnh nhỏ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Linh Trang.
TS Linh Trang và con trai trong ngày bảo vệ luận văn tiến sĩ.
- PV: Áp lực của cuộc sống hiện đại khiến mối quan hệ trong các gia đình Việt Nam đang có những biến đổi mạnh mẽ. Từ mối quan hệ khăng khít, giờ đang dần xa cách, lỏng lẻo. Làm sao để mối quan hệ này luôn bền vững?
>> TS LINH TRANG: Tăng cường giao tiếp, quan tâm chia sẻ với nhau nhiều hơn là cách để xây dựng được mối quan hệ gia đình bền vững. Mọi thành viên trong gia đình phải cùng nhau xây dựng, vận hành và nuôi dưỡng mối quan hệ ấy. “Dao năng mài năng sắc, người năng tới năng thương”. Chúng ta nên xem lại mục tiêu của mình. Mọi người lao ra ngoài làm việc để gia đình ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, nhiều lúc ta lại tự mình đi chệch hướng. Nhiều cặp vợ chồng mới lấy nhau thì chăm chút, ở với nhau lâu lại thờ ơ. Nuôi con ngày nhỏ thì nâng niu, khi con lớn thì lại bỏ mặc.
Tôi mới giao lưu với các công ty may, một nữ công nhân chia sẻ những điều mà tôi nhớ mãi. Vợ chồng họ thỏa thuận với nhau luôn ăn chung bữa cơm chiều. Trong bữa ăn thì không nói chuyện buồn, chỉ nói chuyện vui. Điều này thật đơn giản nhưng nhiều người đã quên. Tôi thấy có không ít gia đình thức ăn đầy bàn, nhưng vào bữa ăn thì lại tranh thủ… kiểm điểm nhau, hoặc mạnh ai nấy ôm một cái điện thoại. Có những bà mẹ bỏ công đi chợ, nấu nấu, nướng nướng, bày biện món ăn cho đẹp rồi chụp hình để… post lên facebook, rồi ngồi chờ like… Còn ông chồng thì lại đi nhậu. Không khí gia đình cứ thế lạnh dần.
- Là một người mẹ, chị dạy con như thế nào?
Ngày cháu còn nhỏ, có một số điều căn bản tôi dạy cháu tuyệt đối không được làm: không chơi ở cầu thang, không bỏ vật lạ vô mắt, miệng, mũi; ngồi trên xe máy hoặc ô tô không được táy máy, phá phách… Đó là những biện pháp đảm bảo an toàn cho cháu. Còn lại các vấn đề khác đều có thể trò chuyện, trao đổi. Tôi trò chuyện với con bất cứ lúc nào có thể, như một người bạn ngay từ khi cháu còn nhỏ. Tôi luôn nói rõ với cháu rằng tôi đi đâu, làm gì, cùng cháu trao đổi về cách ứng xử với mọi người, nhận xét những sự việc xảy ra quanh mình và cả về màu sắc trang phục của bản thân.
Từ khi cháu đi nhà trẻ, câu chào buổi sáng của tôi là: “Con đi học vui nhé” và khi đón cháu về là “Con học có vui không?”… Đến giờ, cháu mới là một cậu bé 10 tuổi, không phải là một học sinh quá giỏi, nhưng cháu thông minh, nhạy cảm, là người rất hiểu chuyện và rất tuyệt vời dưới góc độ tình thương gia đình.
- Làm sao để trò chuyện với nhau khi ban ngày bố mẹ ở cơ quan, con cái đến trường, rồi lại học thêm đến khuya?
Một lần, tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ, tôi thấy một bà mẹ chở một cậu bé học sinh trung học phổ thông dừng xe bên cạnh. Cậu bé dường như cố gắng nói chuyện với mẹ. Bệnh nghề nghiệp khiến tôi lắng nghe. Cậu bé nói: “Hôm nay lớp con có hơn 10 bạn trốn học, bị nêu tên trước trường…”. Bà mẹ không trả lời. Cậu lại nói tiếp: “Các bạn ấy rủ con nhưng con không theo mẹ ạ..”. Thế mà bà mẹ vẫn đăm đăm nhìn về phía trước, chẳng tiếp lời. Tôi nghe mà tiếc cho chị ấy, khi con đã gợi chuyện mà chị đã không tận dụng được thời cơ. Nếu cứ như vậy, đến một lúc bọn trẻ sẽ không chia sẻ gì với chúng ta nữa.
- Theo chị, sống trong gia đình có cần kỹ năng?
Gia đình tôi có 6 anh em, chỉ có tôi ở với cha mẹ nhưng chúng tôi thống nhất với nhau là vào những ngày cuối tuần và những ngày nghỉ thì tất cả anh em dâu rể cùng các cháu tụ tập về nhà ông bà, nấu ăn, trò chuyện, cười đùa. Vào dịp lễ cuối năm, tôi luôn gom góp tiền và chuẩn bị những món quà cho tất cả mọi người, từ già tới trẻ. Khi cả nhà đông đủ, tôi tổ chức đố vui, nhận quà. Ai cũng háo hức chờ đợi và hăng hái tham gia. Mùng một tết mọi người lì xì, chúc tết nhau, xúm xít ăn bữa cơm với nồi thịt má kho. Tôi nghĩ, những điều ấy không cần có thật nhiều tiền mà là chúng ta có thật sự muốn chia sẻ với nhau hay không. Còn thì làm cái gì muốn tốt cũng đều phải có kỹ năng, kể cả giao tiếp trong gia đình.
- Nhiều năm nay, chị tham gia giảng dạy rất nhiều khóa kỹ năng sống...?
Chỉ riêng lớp giao tiếp ở Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM đến nay tôi đã tham gia hơn 100 lớp, mỗi lớp trên dưới 100 học viên, thành phần khá đa dạng: Có các em học sinh trung học cơ sở bố mẹ bắt đi học vì thiếu tự tin, có bạn đi học nước ngoài lâu năm giờ đi học lại để hòa nhập lại. Cũng có những cặp vợ chồng già đi học vì trước đây bận đi làm, ít tiếp xúc, giờ về hưu đi học để giao tiếp với nhau cho ổn thỏa… Lớp học thường đưa ra những bài tập, tình huống thực tế để học viên tương tác với nhau. Tham gia vào các lớp kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng, chăm sóc bệnh nhân, chăm sóc gia đình, con cái… Bản thân tôi thấy mình như một hòn sỏi nhỏ được ném xuống hồ, tạo nên những con sóng lăn tăn… Mong rằng nhiều con sóng nhỏ khi ra biển lớn sẽ hợp lực lại tạo nên sự đổi thay.
HÀ THU (thực hiện)