Vậy mà chỉ sau hơn 2 năm, tiến sĩ Trần Ngọc Dũng đã gầy dựng nên một điểm du lịch văn hóa truyền thống, tái hiện cuộc sống cũng như những sản vật của làng chài Phan Thiết xưa cách đây hơn 300 năm.
Bán công ty về quê làm văn hóa
Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được tiến sĩ Trần Ngọc Dũng trong buổi chiều tối vào một ngày cuối tháng ba. Trước điểm tham quan du lịch Làng Chài Xưa của mình ở đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), anh Dũng đang say sưa trao đổi với các cộng sự của mình về những ý tưởng mới đang được triển khai mà không để ý gì đến vị khách đã hẹn trước đang đứng kế bên. Sau cái bắt tay trìu mến, người đàn ông hơn 40 tuổi này bắt đầu đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Anh Dũng sinh đúng vào năm đất nước được hoàn toàn giải phóng, trong một gia đình có nghề đi biển và làm nước mắm truyền thống thuộc phường Bình Hưng, TP Phan Thiết. Năm 1993, anh xuất sắc đậu thủ khoa Trường Đại học Kinh tế TPHCM và là một trong 48 sinh viên của cả nước được Chính phủ Australia tài trợ học bổng đi du học.
Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Australia, chàng trai trẻ tiếp tục qua Pháp học thêm thạc sĩ ngành Marketing, rồi lại tiếp tục lấy thêm bằng tiến sĩ nghiên cứu về tâm lý học của Trường Đại học Paris I. “Được sinh sống và học tập ở những nước phát triển, tôi thấy tư duy mình mới mẻ hơn. Tuổi trẻ không dài nên nếu có cơ hội học hỏi thì nên tận dụng để có kiến thức phát triển bản thân, gia đình và cống hiến cho xã hội”, anh Dũng chia sẻ.
Sau hơn 10 năm học tập ở xứ người, anh Dũng quyết định trở về Việt Nam để phát triển sự nghiệp. Vốn có kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực, vị tiến sĩ tâm lý này quyết định hợp tác với một người Nhật Bản thành lập một công ty liên doanh chuyên về nghiên cứu thị trưởng ở TPHCM.
“Sự nghiệp của tôi khi ấy phát triển khá tốt, nhưng cứ mỗi lần về thăm nhà ở Phan Thiết, cái vị mặn mòi của biển, chén nước mắm vàng ươm màu cánh gián đặc sánh của mẹ vốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức cứ dai dẳng níu kéo chân tôi”, anh Dũng thổ lộ. |
Chẳng vậy mà cứ có thời gian rảnh về thăm nhà, chàng trai trẻ ngày ấy cứ một mình lặn lội khắp các làng chài, khu làm nước mắm truyền thống có tuổi đời khoảng 300 năm để hy vọng tìm lại được những hàm hộ (nhà làm nước mắm lớn xưa), những vật dụng của nghề làm nước mắm cổ truyền. Thế nhưng, do thị hiếu của thị trường thay đổi, những hàm hộ nổi tiếng xưa đã mất bóng, những vật dụng cổ truyền cũng thay bằng những chất liệu khác dễ tìm hơn. đi nhiều nước, sinh sống nhiều nơi, thấy Phan Thiết cũng có nền văn hóa lâu đời, có biển, có núi, có du lịch nhưng chưa được quan tâm đúng mức khiến người đàn ông này cứ đau đáu khôn nguôi.
Tiến sĩ Dũng tự đặt cho mình câu hỏi: “Sao mình không làm một bảo tàng nước mắm, vừa lưu giữ văn hóa truyền thống vừa kết hợp phát triển du lịch?”. Năm 2017, tiến sĩ Dũng quyết định bán lại toàn bộ cổ phần của công ty ở TPHCM, trở về Phan Thiết thực hiện ý tưởng của mình trước sự ngỡ ngàng và có cả sự can ngăn của bạn bè, người thân.
Bảo tàng nước mắm đầu tiên
Sau khi trình bày ý tưởng, tiến sĩ Dũng được UBND tỉnh Bình Thuận chấp nhận và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án. Để có hiện vật trưng bày, vị tiến sĩ này đã liên hệ với nhiều nhà sưu tầm cổ vật, nhà nghiên cứu văn hóa ở Phan Thiết để được trợ giúp.
Không lâu sau, hàng trăm cổ vật, vật dụng truyền thống, tư liệu lịch sử của nghề nước mắm Phan Thiết đã được quy tụ, bài biện một cách khoa học. Bộ sưu tập của bảo tàng nước mắm dần đã không thiếu một vật dụng gì, từ những chiếc thùng, lều, vại, tĩn, gầu, ly, búa, que… đến những căn nhà của những hàm hộ xưa được đưa về trưng bày nguyên bản. Vậy là trên khu đất rộng nằm ngay phường Phú Hài, nơi có nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời nhất ở tỉnh Bình Thuận, bảo tàng nước mắm đầu tiên của Việt Nam nằm trong điểm du lịch Làng Chài Xưa chính thức ra đời.
Hết đoạn phim tư liệu, chúng tôi được cô hướng dẫn viên đưa qua căn phòng trưng bày hàng trăm hiện vật của nghề làm nước mắm xưa. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về công thức, về những dụng cụ mà ngày xưa cha ông ta dùng để làm nước mắm.
Thú vị nhất là khu vực du khách được trải nghiệm cách phân biệt nước mắm nguyên chất và nước mắm đã pha chế theo cách mà người xưa hay làm. Anh Nguyễn Huy Toàn, một du khách đến từ TPHCM, cầm vài hạt cơm nguội được cô hướng dẫn viên đưa cho thả vào ly nước mắm đặc sánh. Những hạt cơm nguội này sau đó không chìm xuống đáy ly mà cứ nổi lập lờ trên mặt. “Vậy là sao cô hướng dẫn viên?”, anh Toàn thắc mắc. Sau khi được giải thích rằng, theo kinh nghiệm người xưa, khi bỏ hạt cơm nguội vào ly nước mắm, nếu nổi lên mặt là nước mắm nguyên chất, còn chìm xuống là nước mắm pha chế, nhiều du khách ngỡ ngàng.
Khôi phục nước mắm trứ danh Phan Thiết
Không chỉ xây dựng một bảo tàng nước mắm được cho là đầu tiên của Việt Nam, tiến sĩ Dũng còn mạnh dạn tìm cách khôi phục loại nước mắm tĩn trứ danh một thời ở Phan Thiết nay đã vắng bóng.
Nhắc về loại nước mắm này, anh Dũng say sưa kể về nó như một ký ức không thể phai về một thời thơ ấu sống cùng gia đình bên làng chài nhỏ ven biển. Tại làng chài Phan Thiết xưa cách đây hơn 300 năm, nước mắm sau 12 tháng ủ chượp chín chậm trong thùng gỗ được kéo rút trực tiếp cho vào các tĩn gốm, khằn nắp bằng vôi, dán nhãn giấy vuông lên trên và có quai xách bằng dây thừng bện.
Đây được xem là nước mắm nguyên chất rất nổi tiếng thời bấy giờ. Nước mắm đựng trong tĩn gốm chở bằng ghe bầu theo sông Cà Ty bán khắp cả nước từ lục tỉnh Nam kỳ đến miền Trung, miền Bắc và chiếm phần lớn thị trường cả nước.
“Khi còn nhỏ tôi thấy hầu như nhà nào ở Phan Thiết cũng có nước mắm nguyên chất đựng trong tĩn. Thế nhưng hiện giờ nó đã vắng bóng, phần vì thị hiếu người tiêu dùng thay đổi thích ăn nước mắm nhạt, ít mùi, phần thì các dụng cụ để nước mắm giờ quá phong phú, tiện lợi, dễ tìm hơn bình sứ, sành nên nước mắm tĩn cũng dần bị quên lãng”, tiến sĩ Dũng tâm sự.
Theo người xưa, nước mắm sau khi rút nước đầu thì gọi là mắm nguyên chất. Loại mắm này nếu được để trong tĩn gốm sẽ bảo quản được màu, mùi, vị lâu vì gió, ánh sáng không thể lọt qua. Chính những điều này đã thôi thúc tiến sĩ Dũng quyết tâm khôi phục lại loại nước mắm trứ danh này.
"Dũng là một con người của xứ biển Phan Thiết, dù đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng vẫn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương, cho nền văn hóa, ngành du lịch của địa phương. Thông qua mô hình của mình, Dũng đã góp phần khôi phục văn hóa truyền thống, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh, con người Phan Thiết xưa và nay, tạo động lực cho những người con xa quê luôn hướng về Bình Thuận" Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận |
Vốn gia đình trước đây cũng làm nghề nước mắm truyền thống nên anh cũng có nhiều thuận lợi. Bỏ vốn đầu tư hơn 10 nhà thùng, nước mắm tĩn của anh Dũng tiếp tục làm theo công thức hàng trăm năm của làng chài Phan Thiết xưa. Những con cá cơm than to, béo, tươi được trộn với muối ủ chậm trong thùng gỗ suốt 12 tháng. Sau thời gian ủ chượp, nước mắm được rút trực tiếp vào tĩn gốm với độ đạm lên tới hơn 40 độ, màu vàng ươm cánh gián. Mặc dù giá bán khá cao do công đoạn sản xuất tốn kém nhưng loại nước mắm này xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.
Sau khi ra đời, nước mắm tĩn không chỉ được người dân địa phương nồng nhiệt đón nhận vì đã gợi lại một ký ức thời xa xưa mà còn được khách du lịch, bạn hàng khắp nơi trong cả nước đón nhận vì chất lượng khó có loại nước mắm nào sánh kịp.