Hơn 30 năm gắn bó với cây đàn bầu, anh luôn nỗ lực để lan tỏa vẻ đẹp, nét độc đáo của âm nhạc dân tộc Việt Nam thời đại mới, hướng ra thế giới. Tiến sĩ, NSƯT Lê Hoài Phương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh hành trình đưa nhạc truyền thống đến với bạn bè năm châu.
PHÓNG VIÊN: Cơ duyên nào đưa anh đến với âm nhạc dân tộc và gắn bó với cây đàn bầu hơn 30 năm qua?
Tiến sĩ, NSƯT LÊ HOÀI PHƯƠNG: Lúc nhỏ, gia đình tôi ở trong khu tập thể của Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Ở đó, tôi thường được nghe anh chị tập hát, đàn, luyện vẽ tranh. Năm 9 tuổi, do nhiều cơ duyên, tôi bắt đầu theo học đàn bầu. Ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế, tôi học 10 năm đàn bầu (hệ sơ trung) với cô Lâm Bảo Dần. Cô đã cho tôi một nền tảng rất chắc.
Năm 2000, học hết lớp 12, tôi ra Hà Nội thi vào Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia ngày nay), học 4 năm với NSND Thanh Tâm, được cô giúp phát huy kỹ năng, sự sáng tạo, cho tôi động lực để dấn thân vào con đường sáng tác.
Là người khởi xướng thành lập nhóm nhạc đa quốc gia Asia Music Ensemble, anh phát huy vai trò sáng tác của mình và đẩy mạnh hoạt động trình diễn của nhóm nhạc như thế nào?
Năm 2006, tôi được Bộ VH-TT-DL và Nhạc viện Hà Nội cử tham gia chương trình giao lưu văn hóa các nước châu Á trong vòng một năm tại Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc, cùng nhiều nghệ sĩ các nước. Trong hoạt động tập luyện, tôi nhận thêm việc phối nhạc để mọi người cùng biểu diễn. Đến năm 2010, tôi thành lập nhóm nhạc đa quốc gia Asia Music Ensemble, có sự tham gia của những người bạn đến từ Mông Cổ, Hàn Quốc, Tây Tạng…, với thông điệp “âm nhạc không có biên giới”, sử dụng chất liệu nhạc dân tộc các nước, hòa hợp trên một bản phối, thể hiện được những sắc màu văn hóa, âm nhạc nhiều quốc gia.
Do nhóm thiếu những bài mang phong cách đặc trưng nên tôi mạnh dạn sáng tác, trong đó có các bài Ngày hội, Khát vọng, Người ngoài nớ, Xuân bến cảng… Ban nhạc đã tham gia biểu diễn tại các Festival âm nhạc ở Hàn Quốc, cuộc thi Âm nhạc Hàn Quốc thế kỷ 21… Khi ban nhạc về Việt Nam đã biểu diễn tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Học viện Âm nhạc Huế, tham gia Festival Âm nhạc Hò Dô TPHCM…, tạo được ấn tượng với đông đảo khán giả.
Là giảng viên Nhạc viện TPHCM, anh có trăn trở gì với công việc truyền nghề, đào tạo nhân tài cho lĩnh vực âm nhạc dân tộc?
Tôi học thạc sĩ, tiến sĩ âm nhạc ở Hàn Quốc (2007-2015), sau khi về nước thì tham gia công tác giảng dạy tại Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TPHCM. Tôi quan niệm nghề giáo là nghề chia sẻ những gì mình có, mình hiểu biết, bằng cái tâm của mình.
Khi giảng dạy, ngoài kiến thức học từ thầy cô, tôi còn trao cho các em kiến thức và kinh nghiệm của riêng mình: với nhóm hòa tấu, mỗi người nghệ sĩ phải biết thu mình lại để tôn cái đẹp tổng thể; khi biểu diễn solo, dàn nhạc phía sau hỗ trợ, thì phải phát huy hết tài năng để tỏa sáng. Tôi cũng truyền đạt cho các em tiết tấu của thế giới, các loại hình, tiết tấu khó để học trò nắm được, sau này khi giao tiếp và biểu diễn cùng các nghệ sĩ quốc tế sẽ không bị bỡ ngỡ.
Các bạn trẻ hiện nay có nhiều điều kiện để phát triển, có thể tự sáng tác, lập các nhóm nhạc, kết hợp với các ban nhạc hoạt động. Chẳng hạn, nhiều học trò của tôi chơi đàn bầu trong các ban nhạc rock, như Band Nam Tộc (ban nhạc có cả đàn bầu, đàn tranh). Tuy nhiên, tôi luôn nhắc nhở các em phải giữ “gốc”, vì nhờ cái “gốc” thì sau này mới phát triển được.
Tiến sĩ, NSƯT Lê Hoài Phương đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước: Giải Arirang ở cuộc thi Âm nhạc Hàn Quốc thế kỷ 21 tại Hàn Quốc năm 2008; Giải Vàng cuộc thi Bravo Asean in Korea tại Hàn Quốc năm 2012; Giải Sáng tạo, cuộc thi Âm nhạc Hàn Quốc thế kỷ 21 tại Hàn Quốc năm 2010; Giải nhất đàn bầu cuộc thi Độc tấu - Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020; Giải ba hòa tấu “Nam xuân - Nam ai - Nam đảo” tại cuộc thi Độc tấu - Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020; Giải thưởng “Việt Nam Korea Mecenat Great Awards” cho nghệ sĩ có công lao gắn kết hai nền văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc năm 2020...
Năm 2023, nghệ sĩ Lê Hoài Phương được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Sau những thành tựu đã đạt được, anh có khát vọng và mong mỏi gì cho công việc của mình trong thời gian sắp tới?
Là một nhà giáo, tôi chuyên tâm đào tạo để làm sao có được nhiều học trò giỏi. Là một nghệ sĩ, tôi khát vọng tiếng đàn của mình cũng như các tác phẩm đàn bầu cùng với dàn nhạc sẽ được vang lên trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, ở nhiều chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thời gian qua và sắp tới, tôi sẽ tiếp tục chuyển soạn các tác phẩm của mình dành cho đàn bầu chơi cùng dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dây, dàn nhạc dân tộc…
Từ năm 2022, tôi thực hiện dự án Đàn bầu - Dân ca từ Bắc vào Nam, gồm các bài dân ca, được xây dựng trên những bản phối mới hoàn toàn, mang hơi hướm điện tử và giao hưởng. Đến nay, tôi đã hoàn thành các bài: Lý kéo chài, Tây Nguyên, Lý tình tang, Bèo dạt mây trôi… Hè 2024, tôi sẽ ra Tây Bắc để quay MV bài dân ca Tây Bắc mưa rơi, có kết hợp với nghệ sĩ đàn mã đầu cầm người Mông Cổ.
Năm 2011, tôi lập kênh YouTube đăng tải các bài biểu diễn, thu âm, để mọi người xem, cảm nhận nhiều hơn với âm nhạc dân tộc. Trong năm 2024, tôi dự định sẽ thực hiện thêm một kênh YouTube tương tự để phổ biến, truyền đạt các kiến thức, kỹ thuật biểu diễn dành cho những người quan tâm, các bạn chơi đàn nghiệp dư muốn tìm hiểu, học hỏi nâng cao kỹ thuật chuyên môn.