Tiến sĩ gốc Việt đoạt giải nhất ‘SIU Prize Computer Science’

TS Trần Hoàng Dũng, Giáo sư trợ lý tại Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ), được trao giải nhất SIU Prize mùa đầu tiên với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực hệ thống thực - ảo tự học.

TS Trần Hoàng Dũng (áo dài) đoạt giải nhất SIU Prize Computer Science với giải thưởng 2 tỷ đồng
TS Trần Hoàng Dũng (áo dài) đoạt giải nhất SIU Prize Computer Science với giải thưởng 2 tỷ đồng

Lễ trao giải SIU Prize Computer Science mùa 1 nằm trong khuôn khổ Tuần lễ SIU Prize 2025 vừa diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, đã vinh danh những tiến sĩ người Việt Nam và gốc Việt xuất sắc trên toàn cầu trong lĩnh vực khoa học máy tính.

Trong mùa đầu tiên 2023-2024, SIU Prize Computer Science đã thu hút hơn 100 đề cử từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các công trình luận án tiến sĩ xuất sắc thuộc đa dạng các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Mạng và An ninh thông tin, Kỹ thuật viễn thông, IoT, Tin sinh học… với tiềm năng ứng dụng và có sức ảnh hưởng.

Luận án tiến sĩ xuất sắc của TS Trần Hoàng Dũng với đề tài "Kiểm tra hệ thống thực - ảo tự học" được bảo vệ thành công năm 2020 tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) đã được trao giải nhất.

Theo hội đồng chuyên môn, nghiên cứu này đã xây dựng nền tảng toán học vững chắc cùng với các giải thuật mới để kiểm tra tính an toàn của hệ thống mạng thần kinh và các hệ thống tự động. Ứng dụng thực tiễn của công trình rất rộng, đảm bảo tính an toàn và bền vững cho các công nghệ tiên tiến như xe tự lái, máy bay không người lái và mạng thần kinh sâu, trở thành nền tảng quan trọng trong lĩnh vực điện toán hiện đại.

TS Trần Hoàng Dũng đã công bố hơn 40 bài báo khoa học, trong đó nhiều bài đã được đăng tại các tạp chí, hội nghị hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.

Luận văn tiến sĩ của anh đã nhận được giải thưởng luận văn tiến sĩ xuất sắc nhất của Viện Điện - Điện tử (IEEE) trong lĩnh vực hệ thống thực-ảo (Cyber-Physical Systems) năm 2021. TS Trần Hoàng Dũng có nhiều thành tựu nổi bật về phương pháp kiểm tra đầu tiên có khả năng phân tích các hệ thống thực tế, phát triển các giải pháp tiên phong cho AI an toàn, hệ thống tự động và kiểm tra thời gian thực.

Ngoài ra, TS Trần Hoàng Dũng còn dẫn dắt và tham gia nhiều dự án nghiên cứu được tài trợ bởi các tổ chức uy tín như Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF), quân đội Mỹ và các tập đoàn lớn với tổng kinh phí khoảng 2,6 triệu USD, trong đó khoảng 1,92 triệu USD (73%) được huy động trong vai trò chủ nhiệm chính hoặc chủ nhiệm duy nhất của dự án.

Gần đây, hướng nghiên cứu mới của TS Trần Hoàng Dũng về an toàn của hệ thống tự học phức tạp đã được đề nghị cho giải thưởng NSF CAREER trị giá 700.000 USD. Đây là giải thưởng danh giá nhất dành cho giáo sư trẻ tại Mỹ được tài trợ bởi Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ.

Bên cạnh giải nhất, hội đồng chuyên môn đã trao một giải nhì, hai giải ba và ba giải khuyến khích. Tổng giá trị tiền thưởng 5 tỉ đồng. SIU Prize do Tập đoàn giáo dục quốc tế Á Châu tài trợ, trị giá khoảng 10 tỉ đồng/mùa giải, nhằm tôn vinh những nhân tài kiệt xuất trong số các cá nhân tốt nghiệp chương trình tiến sĩ là người Việt Nam hoặc người gốc Việt trên toàn thế giới

Giải nhất gồm 2 tỉ đồng tiền mặt và kỷ niệm chương SIU Prize bằng vàng 18K. Giải nhì 1 tỉ đồng tiền mặt và kỷ niệm chương SIU Prize bằng bạc. Giải ba nhận 600 triệu đồng tiền mặt và kỷ niệm chương SIU Prize bằng bạc.

Những tiến sĩ đoạt giải là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam toàn cầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, AI, IoT với những công trình luận án xuất sắc cùng nhiều bằng sáng chế, giải pháp đang và sẽ được triển khai ứng dụng ở những quốc gia và tập đoàn công nghệ cao, thể hiện tiềm năng lớn tạo ra những đổi mới mang tính đột phá trong việc giải quyết những vấn đề cốt yếu của thế giới hiện nay, đặc biệt là trong giáo dục, y tế và môi trường.

Trước đó, Tuần lễ SIU Prize 2025 diễn ra gồm chuỗi sự kiện học thuật, gồm các hội thảo về trí tuệ nhân tạo như: hội thảo "Pháp luật về trí tuệ nhân tạo" và "Các hệ thống AI ứng dụng trong giáo dục và y tế" tập trung vào các khía cạnh pháp lý và đạo đức liên quan đến AI và cách AI đang cách mạng hóa hai lĩnh vực cốt lõi của xã hội.

Đặc biệt, hội thảo quốc tế quy tụ nhiều nhân vật tầm cỡ với thông điệp "SIU Shaping Futures". Tâm điểm của hội thảo xoay quanh các vấn đề thời sự toàn cầu như: Phát triển AI an toàn và vững bền; các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo; Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân.

Tin cùng chuyên mục