
Thái Nguyên có một vị tiến sĩ được đặt bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám là tiến sĩ Đỗ Cận, người làng Thống Thượng, xã Minh Đức, huyện Phổ Yên.

Ông Đỗ Cận sinh năm 1434, tên thật là Đỗ Viễn, tự là Hữu Khác, hiệu là Phổ Sơn. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tức Tiến sĩ) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ chín (1478) đời vua Lê Thánh Tông.
Ông được vua đổi tên thành Đỗ Cận, được bổ làm quan tại triều, rồi bổ làm Tham nghị xứ Quảng Nam. Đỗ Cận nổi tiếng về tài năng văn học, ông là một trong “nhị thập bát tú” của “Tao đàn” do Lê Thánh Tông sáng lập. Truyện thơ Phan Trần nổi tiếng do ông viết bằng chữ Nôm đã dựng thành chèo, lưu truyền trong dân gian và phổ biến đến tận ngày nay.
Năm 1483, ông được làm Phó sứ trong Đoàn sứ bộ Đại Việt sang cống tuế nhà Minh. Trong chuyến đi, ông đã viết tập “Kim Lăng ký” ghi lại phong tục, cảnh vật, con người đất Kim Lăng thuộc Nam Kinh (Kinh đô Trung Quốc thời Minh) bằng chữ Nôm, hai bài thơ trong chuyến đi này đã được Lê Quý Đôn chép lại trong sách “Toàn Việt thi lục”.
Tài cao, đỗ đạt, ông luôn đau đáu nỗi quê nghèo. Ngay sau khi đi sứ về ông được thăng chức Thượng Thư, đứng đầu trong 6 Bộ của triều Lê, ông về quê đóng góp và vận động tu bổ đường sá, chùa chiền.
Đặc biệt, ông đã thuê thợ giỏi, kén gỗ tốt, dựng ngôi đền Lục Giáp tại xã Đắc Sơn- Phổ Yên, phỏng theo kiểu dáng Văn Miếu thay cho ngôi đền cũ nhỏ. Từ đó tới nay, đền Lục Giáp trở thành nơi thờ cúng, giao lưu văn hóa của nhân dân Phổ Yên và các tỉnh lân cận, mở hội hàng năm vào ngày 15-3 Âm lịch, với các hoạt động dâng hương tế lễ, rước kiệu, hát ví, đua thuyền trên sông Công...
Thân thế và sự nghiệp của Đỗ Cận còn được ghi lại ở các sách: Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Từ điển Văn học Việt Nam, Lược truyện các tác gia Việt Nam. Ngưỡng mộ và biết ơn ông, sau khi ông mất, dân làng Thống Thượng đã dựng đền thờ ông ngay chân núi Phổ Sơn. Ông cũng được tôn thờ tại đền Lục Giáp, cùng với những người anh hùng lịch sử khác của Thái Nguyên như Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú.
Tại ngôi đền này, hàng năm rất nhiều sĩ tử đến thắp hương cầu mong đỗ đạt. Tấm gương về sự kiên trì rèn đức, luyện tài của Tiến sĩ Đỗ Cận đã khích lệ động viên tinh thần cho biết bao thế hệ học sinh, sinh viên Thái Nguyên.
BẠCH LIỄU