Là một người yêu thích lịch sử, trong lĩnh vực sân khấu, Hoàng Duẩn đã 4 lần đảm nhận vai trò đạo diễn và diễn viên trong các vở diễn có đề tài về Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhân dịp lễ giỗ lần thứ 192 Khâm sai Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt - Tổng trấn Gia Định Thành (từ ngày 30-7 đến 2-8 năm Giáp Thìn), từ ngày 2-9 đến ngày 4-9, Tiến sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn đã có những chia sẻ liên quan 4 lần tham gia dàn dựng và biểu diễn về Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tiến sĩ – Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết: “Năm 2008, khi còn là Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát Kịch TPHCM với vai trò trợ lý đạo diễn cho NSND Doãn Hoàng Giang (là đạo diễn vở kịch “Người mang 9 án tử” của tác giả Phạm Văn Quý), tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ đọc thêm tư liệu về lịch sử có liên quan đến Đức Thượng công Lê Văn Duyệt.
Trong những lần “vở hoang” tác phẩm, NSND Doãn Hoàng Giang đã đề xuất “đẻ” thêm một vai cho tôi, từ đó vai tướng cướp Chín Đước ra đời. Tên Chín Đước do chính tôi đề xuất với thầy Doãn Hoàng Giang đặt cho nhân vật của mình”. Hoàng Duẩn còn cho biết, đến giờ phút này, đây là một trong những vai anh yêu thích nhất trong cuộc đời diễn viên của mình.
Năm 2011, Nhà hát Kịch TPHCM đã giao cho Hoàng Duẩn tái dựng vở “Người mang 9 án tử” (tác giả Phạm Văn Quý) dựa trên bản dựng gốc của NSND Doãn Hoàng Giang nhưng rút gọn lại để có thể đưa đi lưu diễn. Khi ấy, đạo diễn Hoàng Duẩn đã đến làm việc trực tiếp với Ban quản lý Lăng Lê Văn Duyệt xin được biểu diễn vở này tại Lăng Ông nhân dịp ngày giỗ lần thứ 179 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.
“Đêm diễn 26-9-2011, trước khi diễn thì trời mưa tầm tã, tôi đã đề nghị các nghệ sĩ NSND Thế Anh, Quyền Linh, Trịnh Kim Chi, Bảo Trí, Chánh Thuận… vào thắp hương. Sau đó, trời tạnh, anh em vui mừng, phấn khởi diễn. Khi biểu diễn xong, trời tiếp tục mưa tầm tã đến 3 giờ sáng hôm sau”, đạo diễn Hoàng Duẩn kể lại.
Năm 2020, Đài Truyền hình TPHCM mời đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng vở cải lương “Án tử” (được tác giả Võ Tử Uyên chuyển thể từ kịch bản “Người mang 9 án tử” của tác giả Phạm Văn Quý) để tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Khi đó, đạo diễn Hoàng Duẩn vừa vui, vừa lo…
Và rồi, vở cải lương “Án tử” của Đài Truyền hình TPHCM với sự tham gia biểu diễn của các diễn viên: Điền Trung, Võ Minh Lâm, Bảo Trí, Ngọc Đợi, Lê Hồng Thắm, Hoàng Quốc Thanh…, đã đoạt Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc. “Án tử” là một trong hai tác phẩm sân khấu đoạt được giải thưởng danh giá trong liên hoan lần này.
Năm 2023, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Nhà hát Kịch Idecaf mời đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng vở kịch về Tả quân Lê Văn Duyệt nhưng do bận nhiều việc nên việc dàn dựng được dời đến năm 2024. Vở diễn mang tên “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” là tác phẩm đầu tiên của sân khấu “Sử Việt học đường” (của Nhà hát Kịch Idecaf, do Hoàng Duẩn dàn dựng) hiện đang được dư luận và khán giả khen ngợi, các suất diễn luôn trong tình trạng “cháy” vé.
Hoàng Duẩn cho biết khi dàn dựng vở diễn về Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, anh bị áp lực hơn những lần trước, bởi đã có nhiều phiên bản về đề tài này nên sợ… sự lặp lại chính mình.
Hoàng Duẩn đã đề nghị anh em khai trương vở tại Lăng Ông - Bà Chiểu và đề nghị này đã được Ban quản lý lăng tạo điều kiện. Hoàng Duẩn chia sẻ, muốn diễn kịch về Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt thì phải hiểu nhân vật lịch sử. Do đó, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về nhân vật lịch sử…
Khi “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” ra mắt, đã tạo nên sức hút riêng. Với thủ pháp khi tả thực, khi ước lệ, khi sân khấu được xử lý như hát bội, có lúc như nhạc kịch; sự đầu tư chỉn chu trong trang phục, đạo cụ, cảnh trí, âm nhạc và với lực lượng diễn viên trẻ trung…, vở diễn đã thu hút người xem suốt gần 3 giờ.
Là một người yêu lịch sử của đất nước, cảm phục tài năng và đức độ của Tả quân Lê Văn Duyệt nên mỗi lần dàn dựng về Tả quân, đạo diễn Hoàng Duẩn luôn đặt mình trong vai trò là con cháu đời sau phải làm sao lan tỏa được những giá trị mà cha ông đi trước đã hy sinh, gầy dựng nên để các thế hệ người Việt Nam có được một vùng đất phương Nam trù phú như hiện nay.
Từ tình yêu lịch sử và cách nghĩ, cách làm rất riêng của mình, mà trong 4 lần tham gia dàn dự và biểu diễn các tác phẩm về Tả quân Lê Văn Duyệt, Hoàng Duẩn đã tạo được dấu ấn riêng biệt của mình trong giới sân khấu Việt Nam nói chung và sân khấu TPHCM nói riêng.
Đạo diễn Hoàng Duẩn đoạt nhiều giải thưởng về đề tài lịch sử - cách mạng: Huy chương vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 với vở “Câu hò đất Mẹ” (vở diễn về cuộc đời hoạt động cách mạng của hai nhân vật lịch sử Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong); Giải đạo diễn xuất sắc nhất của Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 vở “Câu hò đất Mẹ”; Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2020, với vở diễn “Án tử”; Huy chương vàng Liên hoan Cải lương Hương sắc Cửu Long năm 2023, vở diễn: “Khí phách người anh hùng” (Vở diễn về Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực)… và nhiều giải thưởng khác.