Thu thập, chuẩn hóa dữ liệu y khoa
Khi hoàn tất chương trình học tiến sĩ tại Pháp, Phạm Huy Hiệu nhận được lời mời tham dự một hội thảo và sau đó là lời mời làm việc từ một vị lãnh đạo Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData. Tuy nhiên, Phạm Huy Hiệu đã quyết định trở về nước. Khi đó, anh rất tâm đắc với câu nói của GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData: “Có những bài toán của người Việt, nếu không phải người Việt làm thì ai làm”. Bởi chỉ có người Việt mới nhìn rõ nhất những vấn đề của chính mình và tìm ra cách giải quyết phù hợp. Các hãng công nghệ lớn trên thế giới có thể đầu tư vào Việt Nam, nhưng ưu tiên lớn nhất của họ là lợi nhuận.
Nghiên cứu đầu tiên của Tiến sĩ (TS) Phạm Huy Hiệu tại Việt Nam là thu thập, chuẩn hóa và dán nhãn các cơ sở hình ảnh y tế quy mô rất lớn để phục vụ phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), hỗ trợ khoanh vùng tổn thương và phân loại sớm các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý nguy hiểm và thường gặp tại Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của TS Nguyễn Quý Hà (hiện là Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData), công trình này đã thành công, được triển khai trên 40 bệnh viện, xử lý cho 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng. Ở công trình này, nhóm nghiên cứu đã công bố 5 bộ dữ liệu quy mô lớn về chẩn đoán hình ảnh y khoa. Các bộ dữ liệu do nhóm thu thập và chuẩn hóa được mở hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế, được hàng trăm nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới trích dẫn và khai thác. Sinh viên các trường đại học kỹ thuật trên cả nước đã và đang sử dụng các bộ dữ liệu này phục vụ học tập, nghiên cứu.
Nghiên cứu ấn tượng thứ 2 là giải pháp VAIPE nhằm tích hợp AI và phân tích dữ liệu, cho phép thu thập, quản lý, phân tích dữ liệu sức khỏe của các cá nhân. Hệ thống VAIPE do anh cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, thuộc Trường Đại học VinUni và các cộng sự tại Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển. Giải pháp được đánh giá cao, giành giải thưởng tại AI Awards 2022 (của Bộ KH-CN) nhờ chi phí thấp, dễ vận hành, triển khai ở quy mô lớn.
TS Phạm Huy Hiệu cho biết, tương lai của y tế thông minh là mọi chỉ số sức khỏe cá nhân được số hóa, thu thập, phân tích bằng các mô hình dự đoán dựa trên dữ liệu, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tải cho hệ thống y tế. Mong muốn của anh là sẽ thúc đẩy quá trình này, đưa những công nghệ chăm sóc y tế mới, giá rẻ tới đại đa số người dân mà không phụ thuộc thu nhập hay khu vực địa lý.
TS Phạm Huy Hiệu cho biết, thói quen sử dụng thuốc, nhịp tim, huyết áp, chỉ số chiều cao, cân nặng cũng như các chỉ số sức khỏe quan trọng khác sẽ được thu thập thông qua điện thoại thông minh và được phân tích nhằm đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng thuốc an toàn, cảnh báo uống nhầm thuốc, uống thuốc ngoài đơn kê và chẩn đoán sớm các bệnh lý. Hiện, công trình này đang trong quá trình thử nghiệm triển khai trên thực tế để đánh giá hiệu quả. Dự kiến, cuối năm 2024, giải pháp này sẽ được đưa vào ứng dụng trong các cộng đồng lớn hơn như nhóm người dùng mắc bệnh huyết áp, tim mạch hay tiểu đường.
Cơ hội và trách nhiệm
TS Phạm Huy Hiệu chia sẻ: “Được hòa mình vào dòng chảy phát triển của đất nước thực sự là một điều hạnh phúc”. Anh luôn tâm niệm, khó có thể đòi hỏi ngay một môi trường nghiên cứu có đầy đủ các điều kiện như mong muốn. Thay vào đó, chúng ta sẽ chủ động tham gia và tạo dựng. Điều đáng mừng đối với các nhà khoa học trẻ là nguồn lực nhà nước dành cho nghiên cứu ngày càng tăng và các tổ chức tư nhân tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn.
TS Phạm Huy Hiệu có nhiều bạn bè, cộng sự đang miệt mài nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam. Với họ, thu nhập chỉ là một phần. Có những người sẵn sàng bỏ công việc có mức thu nhập cao hơn nhiều lần ở nước ngoài để về Việt Nam làm việc và cống hiến. TS Hiệu trăn trở, đầu tư vào nghiên cứu khoa học trong khu vực tư nhân đang mạnh lên, nhưng để có một nền khoa học hiện đại, đủ năng lực giải quyết được các bài toán lớn của đất nước, thì đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản cần mạnh hơn và đóng vai trò chủ lực.
Anh kỳ vọng, trong thời gian tới, đất nước sẽ có những đột phá trong tư duy quản lý khoa học và công nghệ. “Tôi mong có nhiều hơn nữa các trung tâm học thuật xuất sắc mà ở đó môi trường khoa học được bảo vệ, tri thức và tài năng được tôn trọng, thủ tục hành chính được giản lược. Đó sẽ là nơi các nhà khoa học phát huy tối đa các nguồn lực nghiên cứu, được quyền quyết định con đường phát triển công nghệ và sử dụng kinh phí, tập trung cao độ vào nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm có ích cho xã hội”, TS Hiệu nói thêm. Anh cũng mong các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào nhu cầu phát triển đặt ra những bài toán lớn để các nhà khoa học hợp sức tìm lời giải.
TS Phạm Huy Hiệu sinh năm 1992, quê Nam Định, hiện là giảng viên tại Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois (Trường Đại học VinUniversity), là học giả nghiên cứu tại Trường Đại học Illinois - Urbana Champaign (UIUC), Mỹ. Anh đã công bố 45 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế; giành 4 giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế, trong đó có giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023; được Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Liên bang Đức trao tặng giải thưởng DAAD Fellowship 2021 dành cho nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc trong lĩnh vực AI và nghiên cứu hình ảnh y tế; Top 20 đề cử Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023” của Trung ương Đoàn.