Nhiều ý kiến từ các nhà nghiên cứu văn hóa, người làm công tác trong lĩnh vực di sản đề xuất nên thành lập hẳn một quỹ thu mua di vật, cổ vật của Việt Nam ở nước ngoài từ nguồn xã hội hóa.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, chia sẻ: “Chúng ta nên tính đến việc thành lập một quỹ để kịp thời thu mua những cổ vật Việt Nam bán ở nước ngoài. Nguồn quỹ này có thể đến từ nhiều nguồn, như ngân sách công - tư, vận động nguồn vốn xã hội hóa… để trợ lực đường dài cho cổ vật hồi hương”.
Bên cạnh cổ vật, còn có một lượng lớn các tác phẩm hội họa của nhiều họa sĩ nổi tiếng Việt Nam từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hiện đang ở các sàn đấu giá, phòng tranh ở nước ngoài. Trong triển lãm Hồn xưa bến lạ vào tháng 7-2022 (nhà đấu giá Sotheby’s tổ chức tại TPHCM), họa sĩ Trịnh Cung từng đặt vấn đề: “Giá trị học thuật hay nghệ thuật của các tác phẩm này đã quá rõ rồi, nhưng không biết, có bảo tàng trong nước nào quan tâm và muốn đưa các bức tranh gần cả trăm năm này về trưng bày cho công chúng trong nước có dịp lui tới và chiêm ngưỡng thường xuyên không?”.
Một khoảng trống còn nhiều trăn trở! Các bảo tàng công lập gần như “bó tay” không thể tham gia các phiên đấu giá bởi ngân sách để mua hiện vật có hạn. Còn các bảo tàng tư nhân thì e ngại bởi thủ tục giấy tờ cho việc hồi hương những tác phẩm nghệ thuật hiện rất phức tạp.
Một nhà sưu tập tư nhân chia sẻ: “Nhiều người mua xong rồi ký gửi lại các nhà đấu giá luôn. Muốn đem về nước thì tốn kém phí, thuế và thủ tục liên quan rất nhiều bên. Không ít người, trong đó có tôi cũng từng phải bỏ luôn món đồ cổ vì quá nản với các khâu thủ tục giám định”.
Để cổ vật hồi hương là bài toán mang lại nhiều nguồn lợi cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; giáo dục lịch sử - văn hóa nước nhà. Nguồn quỹ cho cổ vật bao gồm việc thu mua, tôn tạo phát huy giá trị di sản là điều cần thiết, nhưng trước mắt cần tạo cơ chế để nguồn vốn xã hội hóa có thể thuận lợi tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.